Theo quy định hiện hành thì Chi nhánh, Văn phòng đại diện của doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thì phải nộp Lệ phí môn bài.
Tuy nhiên, nếu Văn phòng đại diện chỉ là nơi để giao dịch, không có hoạt động sản xuất kinh doanh, không phát sinh thu- chi thì có phải nộp lệ phí môn bài hay không? Đó cũng là câu hỏi được khá nhiều bạn đọc quan tâm gần đây.
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xem xét Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về đối tượng nộp Lệ phí môn bài (trước đây gọi là Thuế môn bài) mới nhất hiện nay:
"Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này, bao gồm:
1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã.
3. Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
5. Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh.
6. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có).
7. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh".
Như vậy, mấu chốt là Văn phòng đại diện có hoạt động kinh doanh hay không:
- Nếu Văn phòng đại diện của doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì phải nộp lệ phí môn bài;
- Nếu Văn phòng đại diện không hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì không phải nộp lệ phí môn bài.
Đó cũng là tinh thần trả lời của Bộ tài chính tại Công văn 15865/BTC-CST ngày 01/11/2016 và mới đây nhất là Công văn 658/TCT-CS ngày 28/02/2017 của Tổng cục thuế trả lời về vấn đề này.
Ketoan.biz
Biểu tượngBiểu tượng