Lưu ý kế toán các khoản Doanh thu chưa thực hiện

Lưu ý kế toán các khoản Doanh thu chưa thực hiện
Doanh thu chưa thực hiện theo Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 bao gồm số tiền của khách hàng đã trả trước cho một hoặc nhiều kỳ kế toán về cho thuê tài sản; Khoản lãi nhận trước khi cho vay vốn hoặc mua các công cụ nợ;  Khoản chênh lệch giữa giá bán hàng trả chậm, trả góp theo cam kết với giá bán trả tiền ngay, ... 



Không hạch toán vào tài khoản này các khoản: Tiền nhận trước của người mua mà doanh nghiệp chưa cung cấp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ; chưa thu được tiền của hoạt động cho thuê tài sản, cung cấp dịch vụ nhiều kỳ.

Vậy hiểu như thế nào về doanh thu chưa thực hiện và tiền ứng trước của người mua? Bởi hai hình thức này đều nhận trước tiền hàng (dịch vụ)?

1. Phân biệt doanh thu chưa thực hiện và người mua trả tiền trước

Doanh thu chưa thực hiện thực chất là một trường hợp đặc biệt của doanh thu, đặc biệt ở chổ số tiền nhận trước và doanh thu có liên quan nhiều kỳ kế toán trong tương lai. Do đó doanh thu chưa thực hiện nó phải thỏa mãn hai nguyên tắc cơ bản để ghi nhận doanh thu: đã giao hàng (đã cung ứng dịch vụ) cho người mua và người mua chấp nhận thanh toán. 

Chấp nhận thanh toán được hiểu là người mua “hứa” trả tiền, có thể là cam kết trong bản báo giá, hợp đồng, hóa đơn, cam kết kết trả tiền mua điện thoại, email, fax … và mặc nhiên hành động giao hàng-thanh toán trước đó cũng được xem là chấp nhận thanh toán.

Vậy mấu chốt phân biệt khoản tiền nhận trước là “doanh thu chưa thực hiện” hay “người mua trả tiền trước” là đã giao hàng (cung ứng dịch vụ) cho người mua hay chưa.

Như vậy, việc người mua trả trước tiền hàng khi người bán chưa giao hàng cho người mua thì không được ghi nhận vào tài khoản 3387 mà ghi nhận vào tài khoản tài khoản 131- Phải thu khách hàng. Chính xác đây là khoản nợ và nó thể hiện trên Bảng cân đối kế toán cuối kỳ của người bán ở mục "Người mua trả tiền trước ngắn hạn" (Mã số 312).

Còn doanh thu chưa thực hiện được hiểu là khoản tiền mà người bán nhận trước của người mua nhưng liên quan đến nhiều kỳ kế toán và người bán đã giao hàng hóa (dịch vụ), tài sản cho người mua sử dụng. Doanh thu chưa thực hiện được hạch toán vào tài khoản 3387, dư có tài khoản 3387 được thể hiện ở mục "Doanh thu chưa thực hiện dài hạn" (Mã số 336) trên Bảng cân đối kế toán.


2. Hạch toán một số trường hợp tài khoản doanh thu chưa thực hiện

+ Trường hợp cho thuê tài sản:


- Khi nhận tiền của khách hàng trả tr­ước về cho thuê tài sản trong nhiều năm, kế toán phản ánh doanh thu chưa thực hiện theo giá ch­ưa có thuế GTGT, ghi:

Nợ các TK 111, 112,... (tổng số tiền nhận trư­ớc)
       Có TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện (giá ch­ưa có thuế GTGT)
       Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).

- Khi ghi nhận doanh thu của từng kỳ kế toán, ghi:

Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
      Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113, 5117).

- Nếu hợp đồng cho thuê tài sản không đ­ược thực hiện phải trả lại tiền cho khách hàng, ghi: 

Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện (giá cho thuê ch­ưa có thuế GTGT) 
Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (số tiền trả lại cho ng­ười đi thuê về thuế GTGT) 
      Có các TK 111, 112,...(số tiền trả lại).

+ Trường hợp bán hàng theo phương thức trả chậm, trả góp: 

- Khi bán hàng trả chậm, trả góp thì phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp với giá bán trả tiền ngay ghi vào tài khoản 3387 "Doanh thu chưa thực hiện", ghi: 

Nợ các TK 111, 112,131,... 
      Có TK 511- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (theo giá bán trả tiền ngay)
     Có TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện (phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp và giá bán trả tiền ngay).
    Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3331).

- Hàng kỳ, tính, xác định và kết chuyển doanh thu tiền lãi bán hàng trả chậm, trả góp trong kỳ, ghi: 

Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện 
       Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính. 

- Khi thực thu tiền bán hàng trả chậm, trả góp trong đó gồm cả phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp và giá bán trả tiền ngay, ghi: 

Nợ các TK 111, 112,... 
      Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.

Đồng thời ghi nhận giá vốn hàng bán: 

- Nếu bán sản phẩm, hàng hoá, ghi: 

Nợ TK 632- Giá vốn hàng bán 
     Có các TK 154 (631), 155, 156, 157,... 

- Nếu thanh lý, bán bất động sản đầu tư, ghi: 

Nợ TK 632- Giá vốn hàng bán (giá trị còn lại của BĐS đầu tư) 
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (2147) (số hao mòn luỹ kế - nếu có) 
    Có TK 217- BĐS đầu tư.
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »