Góp vốn bằng tài sản cố định là một hình thức khá phổ biến trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho các bên thì hồ sơ góp vốn phải tuân thủ một số quy định của pháp luật.
Tài sản góp vốn có phải xuất hóa đơn?
Theo Điều 36 Luật Doanh nghiệp số 68/2014QH13 quy định về góp vốn bằng tài sản như sau:
“Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:
a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;
b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.
...
Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.”
Mặt khác, quy định tại Điều 5 Thông tư số 06/2012/TT-BTC, Thông tư 219/2013/TT- BTC và Phụ lục 04, mục 2.15 Thông tư 39/2014/TT-BTC thì hồ sơ góp vốn bằng tài sản cố định bao gồm:
- Biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh,
- Biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn,
- Kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản (tùy loại tài sản như hợp đồng mua-bán, phiếu nhập-xuất kho, biên bản bàn giao-nghiệm thu ... và hóa đơn).
Như vậy,
Khi đem tài sản cố định đi góp vốn thì doanh nghiệp không phải xuất hóa đơn mà phải thực hiện chuyển quyền sở hữu tài sản/ Biên bản giao nhận tài sản kèm theo bộ hồ sơ gốc của tài sản như đã đề cập ở trên.
Khi đem tài sản cố định đi góp vốn thì doanh nghiệp không phải xuất hóa đơn mà phải thực hiện chuyển quyền sở hữu tài sản/ Biên bản giao nhận tài sản kèm theo bộ hồ sơ gốc của tài sản như đã đề cập ở trên.
Tài sản cố định góp vốn có được trích khấu hao?
Theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC có quy định về nguyên giá tài sản cố định hữu hình như sau:
"Tài sản cố định góp vốn, tài sản cố định điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình có đánh giá lại theo quy định thì doanh nghiệp nhận tài sản cố định này được tính khấu hao vào chi phí được trừ theo nguyên giá đánh giá lại. Đối với loại tài sản khác không đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định có góp vốn, điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình và tài sản này có đánh giá lại theo quy định thì doanh nghiệp nhận tài sản này được tính vào chi phí hoặc phân bổ dần vào chi phí được trừ theo giá đánh giá lại".
Mặt khác, tại Điều 4 (điểm g) và Điều 9 (khoản 7) Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định về nguyên tắc trích khấu hao tài sản cố định:
"TSCĐ nhận góp vốn, nhận lại vốn góp là giá trị do các thành viên, cổ đông sáng lập định giá nhất trí; hoặc doanh nghiệp và người góp vốn thoả thuận; hoặc do tổ chức chuyên nghiệp định giá theo quy định của pháp luật và được các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận".
"Trường hợp đánh giá lại giá trị TSCĐ đã hết khấu hao để góp vốn, điều chuyển khi chia tách, hợp nhất, sáp nhập thì các TSCĐ này phải được các tổ chức định giá chuyên nghiệp xác định giá trị nhưng không thấp hơn 20% nguyên giá tài sản đó. Thời điểm trích khấu hao đối với những tài sản này là thời điểm doanh nghiệp chính thức nhận bàn giao đưa tài sản vào sử dụng và thời gian trích khấu hao từ 3 đến 5 năm. Thời gian cụ thể do doanh nghiệp quyết định nhưng phải thông báo với cơ quan thuế trước khi thực hiện".
Như vậy,
Tài sản cố định đem góp vốn kinh doanh thì bên nhận vốn góp được quyền trích khấu hao theo nguyên giá được đánh giá lại theo Biên bản định giá được hai bên chấp thuận/ Biên bản định giá do tổ chức chuyên nghiệp xác định lại.
Đối với tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị, khi đem góp vốn phải do các tổ chức định giá chuyên nghiệp xác định lại giá trị nhưng không thấp hơn 20% nguyên giá tài sản đó (Khoản 7 Thông tư 45/2013/TT-BTC) thì bên nhận góp vốn vẫn được trích khấu hao.
Hạch toán tài sản cố định góp vốn kinh doanh
Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, khi đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết bằng hàng tồn kho hoặc TSCĐ, kế toán phải ghi nhận phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ (đối với vật tư, hàng hóa) hoặc giá trị còn lại (đối với TSCĐ) và giá trị đánh giá lại của tài sản đem đi góp vốn do các bên đánh giá vào thu nhập khác hoặc chi phí khác;
Công ty liên doanh, liên kết khi nhận tài sản của nhà đầu tư phải ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu và tài sản nhận được theo giá thoả thuận giữa các bên.
Hạch toán đối với bên đem tài sản đi góp vốn:
- Trường hợp giá trị ghi sổ hoặc giá trị còn lại của tài sản đem đi góp vốn nhỏ hơn giá trị do các bên đánh giá lại, kế toán phản ánh phần chênh lệch đánh giá tăng tài sản vào thu nhập khác, ghi:
Nợ TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ
Có các TK 211, 213, 217 (góp vốn bằng TSCĐ hoặc BĐS đầu tư)
Có các TK 152, 153, 155, 156 (nếu góp vốn bằng hàng tồn kho)
Có TK 711 - Thu nhập khác (phần chênh lệch đánh giá tăng).
- Trường hợp giá trị ghi sổ hoặc giá trị còn lại của tài sản đem đi góp vốn lớn hơn giá trị do các bên đánh giá lại, kế toán phản ánh phần chênh lệch đánh giá giảm tài sản vào chi phí khác, ghi:
Nợ TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ
Nợ TK 811 - Chi phí khác (phần chênh lệch đánh giá giảm)
Có các TK 211, 213, 217 (góp vốn bằng TSCĐ hoặc BĐS đầu tư) Có các TK 152, 153, 155, 156 (nếu góp vốn bằng hàng tồn kho).
Hạch toán đối với bên nhận tài sản đi góp vốn:
Nợ TK 211: Theo nguyên giá đánh giá lại.
Có TK 411: Tăng vốn góp kinh doanh.
Ketoan.biz
Biểu tượngBiểu tượng