Chạy thử là một khâu quan trọng trong các doanh nghiệp sản xuất, nhưng việc ghi nhận các khoản thu, chi phí liên quan cũng gây khá phức tạp cho kế toán.
Bán sản phẩm chạy thử có phải ghi nhận doanh thu không?
Theo Thông tư 45/2013/TT-BTC (Điều 4, Khoản 1, Điểm a) thì chi phí chạy thử là một phần của nguyên giá tài sản cố định:
“Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua sắm (kể cả mua mới và cũ): là giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa tài sản cố định vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như: lãi tiền vay phát sinh trong quá trình đầu tư mua sắm tài sản cố định; chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp; chi phí lắp đặt, chạy thử; lệ phí trước bạ và các chi phí liên quan trực tiếp khác.”
>>Tài sản cố định tạm dừng hoạt động có được trích khấu hao?
Mặt khác, Điểm d1 Khoản 1 Điều 35 Thông tư 200/2014/TT-BTC cũng có quy định tương tự về nguyên giá tài sản cố định:
“d1) Nguyên giá TSCĐ hữu hình do mua sắm bao gồm: Giá mua (trừ các khoản được chiết khấu thương mại, giảm giá), các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào trạng thái sử dụng như chi phí chuẩn bị mặt bằng, chi phí vận chuyển bốc xếp ban đầu, chi phí lắp đặt, chạy thử (trừ các khoản thu hồi về sản phẩm, phế liệu do chạy thử), chi phí chuyên gia và các chi phí liên quan trực tiếp khác. Chi phí lãi vay phát sinh khi mua sắm TSCĐ đã hoàn thiện (TSCĐ sử dụng được ngay mà không cần qua quá trình đầu tư xây dựng) không được vốn hóa vào nguyên giá TSCĐ”.
Đồng thời, Thông tư 200/2014/TT-BTC (xem hướng dẫn hạch toán theo Điều 46, bên dưới)- Chế độ kế toán doanh nghiệp quy định các chi phí chạy thử và các khoản thu bán sản phẩm chạy thử được hạch toán qua tài khoản 154 và cuối cùng kết chuyển về tài khoản 241 để tính nguyên giá của tài sản TSCĐ.
Như vậy, các khoản thu về chạy thử máy móc, thiết bị không ghi nhận doanh thu mà ghi nhận vào tài khoản 154 để xác định nguyên giá tài sản cố định. Tất nhiên việc bán sản phẩm sản xuất thử, doanh nghiệp phải xuất hóa đơn, kê khai, nộp thuế theo quy định.
(Lưu ý là quan điểm trên theo Chế độ kế toán Việt Nam. Hiện nay, quan điểm của Hội đồng giải thích chuẩn mực quốc tế vẫn còn 2 luồng ý kiến về khoản thu chạy thử: 1 là ghi nhận là doanh thu; 2 là giảm chi phí đầu tư tài sản như Thông tư 200/2014/TT-BTC).
Hướng dẫn hạch toán chạy thử, sản xuất thử (Thông tư 200/2014/TT-BTC):
a) Đối với chi phí chạy thử không sản xuất ra sản phẩm thử:
Nợ TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang
Có các TK 111, 112, 152 ...
b) Đối với sản chạy thử có các khoản thu về sản phẩm sản xuất thử:
- Khi phát sinh chi phí chạy thử có tải để sản xuất ra sản phẩm thử, kế toán tập hợp toàn bộ chi phí, ghi
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang
Có các TK 111, 112, 152 ...
- Khi nhập kho sản phẩm sản xuất thử, ghi:
Nợ TK 1551 - Thành phẩm nhập kho
Có TK 154 - Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
- Khi xuất bán sản phẩm sản xuất thử (xuất hóa đơn, kê khai, tính thuế):
Nợ các TK 112, 131
Có TK 1551 - Thành phẩm nhập kho
Có TK 154 - Chi phí SXKD dở dang (bán ngay không qua nhập kho)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
- Kết chuyển phần chênh lệch giữa chi phí sản xuất thử và số thu từ việc bán sản phẩm sản xuất thử:
+ Trường hợp chi phí sản xuất thử cao hơn số thu từ việc bán sản phẩm sản xuất thử, kế toán kết chuyển phần chênh lệch để ghi tăng chi phí đầu tư XDCB dở dang, ghi:
Nợ TK 241 - XDCB dở dang
Có TK 154 - Chi phí SXKD dở dang.
+ Trường hợp chi phí sản xuất thử nhỏ hơn số thu từ việc bán sản phẩm sản xuất thử, kế toán kết chuyển phần chênh lệch để ghi giảm chi phí đầu tư XDCB dở dang, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí SXKD dở dang
Có TK 241 - XDCB dở dang.
Ketoan.biz
Biểu tượngBiểu tượng