Công việc kế toán gắn liền với việc thu nhập và xử lý chứng từ kế toán, việc kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của hóa đơn luôn làm đau đầu không ít kế toán, bởi một sơ suất nhỏ có thể gây ra những hậu quả khó lường.
Khác nhau giữa Hóa đơn GTGT và hóa đơn bán hàng
Sự khác nhau dễ nhận biết nhất đó chính là tên hóa đơn: "Hóa đơn bán hàng" hay "Hóa đơn GTGT"; hóa đơn GTGT có dòng thuế suất thuế GTGT (0%, 5%, 10%), còn hóa đơn bán hàng không có dòng thuế suất.
Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn GTGT thì việc kê khai, tính thuế theo phương pháp khấu trừ; đối với hóa đơn bán hàng, doanh nghiệp kê khai và tính thuế theo phương pháp trực tiếp với cơ quan thuế.
Ngoài ra con dấu thể hiện trên hóa đơn GTGT phải là dấu tròn, trong khi hóa đơn bán hàng thường là dấu vuông hoặc một số ít có dấu tròn (con dấu không có ý nghĩa với hóa đơn điện tử trừ khi chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy).
>> Đối tượng nào được mua hóa đơn lẻ của Cơ quan thuế?
Hóa đơn GTGT và hóa đơn bán hàng được sử dụng trong những trường hợp cụ thể. Theo Khoản 1 Điều 5 Thông tư 119/2014/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 3 Thông tư 39/2014/TT-BTC) quy định về các loại hóa đơn như sau:
"a) Hóa đơn giá trị gia tăng là loại hóa đơn dành cho các tổ chức khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ trong các hoạt động sau:
– Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong nội địa;
– Hoạt động vận tải quốc tế;
– Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
b) Hóa đơn bán hàng dùng cho các đối tượng sau đây:
– Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hóa, dịch vụ trong nội địa, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu
– Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan” ..."
Như vậy, tùy vào hoạt động kinh tế, tùy vào doanh nghiệp đăng ký phương pháp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ hay phương pháp trực tiếp mà doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn GTGT hay hóa đơn bán hàng cho các hoạt động kinh doanh của mình.
Hàng hóa, dịch vụ thuế suất thuế GTGT 0% và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế có gì khác nhau?
Hàng hóa không chịu thuế GTGT và hàng hóa có thuế suất 0% thì người mua không phải trả tiền thuế GTGT. Thuế GTGT là thuế gián thu, điều tiết, thuế đánh vào người tiêu dùng nên thuế suất bằng không, hay hàng không chịu thuế đều khuyến khích tiêu dùng.
- Hàng hóa có thuế suất 0% là loại hóa đơn GTGT, dòng thuế suất ghi 0% (thường áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu, bán vào khu chế xuất, hoặc các hàng hóa Nhà nước khuyến khích tiêu dùng khác);
- Còn hàng hóa không chịu thuế được ghi trên hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn GTGT nhưng dòng thuế suất bị gạch chéo (ngành/nghề mới, sản phẩm có tính an sinh, phúc lợi cao ... mà Nhà nước ưu tiên phát triển).
Một số ý kiến cho rằng hàng hóa, dịch vụ có thuế suất 0% thì doanh nghiệp vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào; còn hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế thì phần thuế GTGT hàng hóa, dịch vụ mua vào (nếu có) tương ứng không được khấu trừ?
Điều này có lẻ chỉ đúng với hàng hóa xuất khẩu, bởi đầu ra thuế GTGT bằng 0 thì khấu trừ thế nào? Chưa kể Luật thuế (Luật số 106/2016/QH13) không cho hoàn thuế ở khâu nội địa nên thuế GTGT hàng hóa, dịch vụ mua vào chỉ còn cách đưa vào chi phí như hàng không chịu thuế.
Thế nào là hóa đơn hợp pháp?
Tính hợp hợp pháp của hóa đơn được quy định bởi các quy định của pháp luật quy định (biểu mẫu, hình thức phát hành ...) và nội dung ghi trên hóa đơn đó (nội dung hóa đơn ghi bán hàng cấm, ghi khống, mạo giả chữ ký, con dấu ... đương nhiên là một hóa đơn bất hợp pháp rồi).
Theo điều 22 Thông tư Số 39/2014/TT-BTC quy định:
"Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng.
Hóa đơn giả là hóa đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn.
Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng là hóa đơn đã được tạo theo hướng dẫn tại Thông tư này, nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành.
Hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế)."
Như vậy, hóa đơn hợp pháp là hóa đơn có đủ các yếu tố sau:
- Nội dung trên hóa đơn không vi phạm pháp luật (hàng cấm, ghi khống ...).
- Hóa đơn đã đăng ký và được cơ quan thuế chấp nhận (hình thức, thời hạn ...).
Thế nào là hóa đơn hợp lệ, hợp lý?
Chắc chắn một hóa đơn được xem là hợp lệ khi nó phải là một hóa đơn hợp pháp, hóa đơn hợp lệ, hợp lý khi hội đủ các tiêu chuẩn sau:
- Phải là hóa đơn hợp pháp.
- Ghi đầy đủ, đúng các chỉ tiêu, chữ ký trên hóa đơn; thông tin tin trên hóa đơn phải rõ ràng không bị cạo sửa, tẩy xóa ...
- Hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn phải liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và phù hợp với nội dung kinh tế.
Ngoài ra, để hóa đơn hợp lệ, hợp lý khi xác định thu nhập tính thuế thì hóa đơn đó cần tuân thủ các quy định của Luật thuế hiện hành, như
- Hóa đơn giá trị từ 20 tiệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
- Tuân thủ điều kiện ghi nhận chi phí của Luật thuế hiện hành (gần đây nhất là Thông tư 96/2015/TT-BTC).
- Hóa đơn của các doanh nghiệp không xác định (bỏ trốn, dừng hoạt động ...) ...
Tóm lại:
Hóa đơn hợp pháp là hóa đơn được cơ quan thuế cho phép phát hành (khi tuân thủ về biểu mẫu, thời hạn phát hành ...), nội dung tuân thủ các quy định của pháp luật.
Hóa đơn hợp lệ phải là hóa đơn hợp pháp và được ghi, ký xác nhận đầy đủ các chỉ tiêu của các bên liên quan; nội dung kinh tế phải phù hợp với doanh nghiệp.
Do đó, hóa đơn hợp lệ phải là hóa đơn hợp pháp nhưng hóa đơn hợp pháp chưa chắc là hóa đơn hợp lệ đối với doanh nghiệp.
Hóa đơn lập sai thời điểm có bị phạt?
Thời điểm viết hóa đơn quy định tại khoản 2a Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định như sau:
"a) Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn
Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền..."
Ngày xuất trên hóa đơn không đúng thời điểm (quy định trên) thì hóa đơn đó vẫn được xem là hợp lệ nếu đủ chứng từ chứng minh, bên bán bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:
+ Đối với bên mua: Được đưa vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN, được khấu trừ thuế GTGT nếu đáp ứng được điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC (có phiếu báo giá, hợp đồng, chứng từ giao hàng ...).
+ Đối với bên bán: Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nếu cơ quan thuế kiểm tra phát hiện (mức phạt hiện nay theo Nghị định 49/2016/NĐ-CP từ 4-8 triệu đồng).
Ketoan.biz
Biểu tượngBiểu tượng