"Điểm mặt" 10 khoản chi bị thuế khống chế

"Điểm mặt" 10 khoản chi bị thuế khống chế
Luật thuế trong những năm gần đây được cho là thoáng hơn, sát với thực tế doanh nghiệp hơn tuy nhiên vẫn còn nhiều chi phí bị khống chế, thậm chí bổ sung thêm một số khoản chi vào diện bị "trói" như chi phí lãi vay, bảo hiểm nhân thọ ...


Về nguyên tắc, chi phí hợp lý được đưa vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi doanh nghiệp chứng minh được đó là chi phí thực tế phát sinh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, có hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không được đưa vào chi phí hợp lý phần chi vượt mức mà một số khoản chi, luật thuế hiện hành quy định.

Do đó, kế toán cần phải cập nhật thường xuyên, đối chiếu với các văn bản thuế hiện hành, thận trọng xem xét chi phí của các báo cáo thuế, báo cáo quyết toán thuế cuối năm tránh những sai sót. Bài viết sau sẽ trình bày 10 khoản chi bị khống chế được cập nhật theo Thông tư 96/2015/TT-BTC và một số văn bản thuế mới ban hành:

1. Các khoản chi có tính chất phúc lợi không quá 01 tháng lương bình quân

Theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC (sửa đổi khoản 2.30 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC), thì: 

Khoản chi nghỉ mát thường niên của người lao động nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và khoản chi nghỉ mát này cùng các khoản chi có tính phúc lợi khác không vượt quá 01 tháng lương bình quân của người lao động (trong năm tính thuế) thì được đưa vào chi phí hợp lý, được khấu trừ thuế GTGT tương ứng.

Điều này có nghĩa phần chi vượt 1 tháng lương bình quân của chi phí nghỉ mát + các khoản chi có tính chất phúc lợi sẽ không được đưa vào chi phí tính thuế TNDN hay khấu trừ thuế GTGT.

2. Chi phí trang phục nhân viên bị khống chế 5 triệu đồng/người/năm

Theo Thông tư 96/2015/TT-BTC (sửa đổi khoản 2.7 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC), không tính vào chi phí được trừ đối phần chi trang phục bằng tiền cho người lao động vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm.

Trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật cho người lao động để được tính vào chi phí được trừ thì mức chi tối đa đối với chi bằng tiền không vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm, bằng hiện vật phải có hóa đơn, chứng từ

3. Chi phí khấu hao bị khống chế ở mức hợp lý?

Theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC (sửa đổi khoản 2.2e Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC):

- Phần trích khấu hao vượt mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định (cụ thể theo Thông tư số 45/2013/TT-BTC) sẽ không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.

- Doanh nghiệp được áp dụng phương pháp tính khấu hao nhanh nhưng số trích khấu hao nhanh không được vượt quá 2 lần so với số trích khấu hao theo phương pháp đường thẳng.

- Không được tính phần trích khấu hao đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống đối với phần nguyên giá giá trên 1,6 tỷ đồng, ngoại trừ doanh nghiệp các cơ sở kinh doanh ô tô được trích khấu hao theo giá trị thực tế đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi sử dụng để làm mẫu và lái thử.

4. Chi phí lãi vay bị khống chế 150% mức lãi suất cơ bản

Theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC (sửa đổi khoản 2.17 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC), phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.

5. Bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ bị khống chế 3 triệu đồng

Theo Nghị định 146/2017/NĐ-CP, kể từ ngày 01/02/2018, "Phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc), quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động" sẽ không được đưa vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.

6. Chi phí tiền ăn ca khống chế 730.000 đồng/người/tháng

Theo quy định tại mục 4, điều 22 Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH: Nếu doanh nghiệp không tổ chức nấu ăn, mức khống chế tối đa tiền ăn giữa ca 730.000 đồng/người/tháng được áp dụng từ 01/01/2016 (trước mức khống chế 680.000 đồng/người/tháng).

Do đó, phần chi vượt mức tiền ăn giữa ca 730.000 đồng/người/tháng phải tính vào thu nhập tính thuế của cá nhân (điểm g5, khoản 2, điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC), tính thuế TNCN.

Tất nhiên, tiền ăn giữa ca không bị khống chế chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN nếu có đầy đủ chứng từ theo quy định tại Theo điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC (có hóa đơn nếu doanh nghiệp tổ chức nấu ăn hoặc chứng từ chi tiền + ghi cụ thể điều kiện và mức hưởng trong Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty ... nếu chi bằng tiền).

7.  Trích lập dự phòng tiền lương không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.

Theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC (sửa đổi khoản 2.6c Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC), mức dự phòng tiền lương hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương  thực hiện (tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán).

8. Chi thuê quản lý hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng không quá 4% doanh thu.

Cũng theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC (sửa đổi khoản 2.29 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC), phần chi phí liên quan đến việc thuê quản lý đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh casino vượt quá 4% doanh thu hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh casino.

9. Chi phí vượt định mức do Nhà nước ban hành bị loại trừ chi phí

Theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC (sửa đổi khoản 2.3 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC) thì phần chi vượt định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá đối với một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đã được Nhà nước ban hành định mức sẽ không được đưa vào chi phí thuế hợp lý.

Tuy nhiên Thông tư 96/2015/TT-BTC không hướng dẫn cụ thể định mức Nhà nước ban hành ở văn bản nào, loại hàng hóa gì?

10. Chi phí lãi vay doanh nghiệp liên kết bị khống chế 20% EBITDA.

Theo khoản 3 điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP (hiệu lực từ 01/05/2017) thì doanh nghiệp liên kết có tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận trước thuế, trước lãi vay, khấu hao (EBITDA).
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »