CHUẨN MỰC SỐ 23-CÁC SỰ KIỆN PHÁT SINH SAU NGÀY KẾT THÚC KỲ KẾ TOÁN NĂM
(Ban hành và công bố theo Quyết định số 12/2005/QĐ-BTC ngày 15 tháng 02 năm 2005 của Bộ Tài chính)
QUY ĐỊNH CHUNG
01. Mục đích của chuẩn mực này là quy định và hướng dẫn các trường hợp doanh nghiệp phải điều chỉnh báo cáo tài chính, các nguyên tắc và phương pháp điều chỉnh báo cáo tài chính khi có những sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm; giải trình về ngày phát hành báo cáo tài chính và các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
Nếu các sự kiện xảy ra sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không phù hợp với nguyên tắc hoạt động liên tục thì doanh nghiệp không được lập báo cáo tài chính trên cơ sở hoạt động liên tục.
02. Chuẩn mực này áp dụng cho việc kế toán và trình bày thông tin về các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
03. Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:
Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm: Là những sự kiện có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến báo cáo tài chính đã phát sinh trong khoảng thời gian từ sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm đến ngày phát hành báo cáo tài chính.
Có hai loại sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm:
(a) Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh: Là những sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cung cấp bằng chứng về các sự việc đã tồn tại trong năm tài chính cần phải điều chỉnh trước khi lập báo cáo tài chính.
(b) Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh: Là những sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cung cấp bằng chứng về các sự việc đã tồn tại trong năm tài chính nhưng không phải điều chỉnh trước khi lập báo cáo tài chính.
Ngày phát hành báo cáo tài chính: Là ngày, tháng, năm ghi trên báo cáo tài chính mà Giám đốc (hoặc người được ủy quyền) của đơn vị kế toán ký duyệt báo cáo tài chính để gửi ra bên ngoài doanh nghiệp.
04. Qui trình phát hành báo cáo tài chính phụ thuộc vào cơ cấu quản lý, yêu cầu và thủ tục cần tuân thủ về lập, soát xét, kiểm tra và phát hành báo cáo tài chính.
05. Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm bao gồm tất cả các sự kiện phát sinh đến ngày phát hành báo cáo tài chính.
NỘI DUNG CHUẨN MỰC
Ghi nhận và xác định
Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh
06. Doanh nghiệp phải điều chỉnh các số liệu đã được ghi nhận trong báo cáo tài chính để phản ánh các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh.
07. Ví dụ về các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh đòi hỏi doanh nghiệp phải điều chỉnh các số liệu đã ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán hoặc ghi nhận những khoản mục mà trước đó chưa được ghi nhận, gồm:
(a) Kết luận của Toà án sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm, xác nhận doanh nghiệp có những nghĩa vụ hiện tại vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm, đòi hỏi doanh nghiệp điều chỉnh khoản dự phòng đã được ghi nhận từ trước; ghi nhận những khoản dự phòng mới hoặc ghi nhận những khoản nợ phải thu, nợ phải trả mới.
(b) Thông tin nhận được sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cung cấp bằng chứng về một tài sản bị tổn thất trong kỳ kế toán năm, hoặc giá trị của khoản tổn thất được ghi nhận từ trước đối với tài sản này cần phải điều chỉnh, ví dụ như:
i - Khách hàng bị phá sản sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm đã chứng minh khoản phải thu của khách hàng trên Bảng cân đối kế toán cần phải điều chỉnh thành khoản lỗ trong năm.
ii - Hàng tồn kho được bán sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cung cấp bằng chứng về giá trị thuần có thể thực hiện được vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm của hàng tồn kho.
(c) Việc xác nhận sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm về giá gốc của tài sản đã mua hoặc số tiền thu được từ việc bán tài sản trong kỳ kế toán năm.
(d) Việc phát hiện những gian lận và sai sót chỉ ra rằng báo cáo tài chính không được chính xác.
Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh
08. Doanh nghiệp không phải điều chỉnh các số liệu đã ghi nhận trong báo cáo tài chính về các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh.
09. Ví dụ về các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh như: Việc giảm giá trị thị trường của các khoản đầu tư vốn góp liên doanh, các khoản đầu tư vào công ty liên kết trong khoảng thời gian từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm đến ngày phát hành báo cáo tài chính. Sự giảm giá trị thị trường của các khoản đầu tư thường không liên quan đến giá trị các khoản đầu tư vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Doanh nghiệp không phải điều chỉnh số liệu đã được ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán đối với các khoản đầu tư, tuy nhiên có thể bổ sung giải trình theo quy định tại đoạn 19.
Cổ tức
10. Nếu cổ tức của cổ đông được công bố sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm, doanh nghiệp không phải ghi nhận các khoản cổ tức này như là các khoản nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán tại ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
11. Nếu cổ tức được công bố sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm nhưng trước ngày phát hành báo cáo tài chính, thì khoản cổ tức này không phải ghi nhận là nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán mà được trình bày trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính theo quy định tại Chuẩn mực kế toán số 21 “Trình bày báo cáo tài chính”.
Hoạt động liên tục
12. Nếu Ban Giám đốc xác nhận sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm có dự kiến giải thể doanh nghiệp, ngừng sản xuất kinh doanh, thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động hoặc phá sản thì doanh nghiệp không được lập báo cáo tài chính trên cơ sở nguyên tắc hoạt động liên tục.
13. Nếu kết quả kinh doanh bị giảm sút và tình hình tài chính xấu đi sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm thì phải xem xét nguyên tắc hoạt động liên tục có còn phù hợp để lập báo cáo tài chính hay không. Nếu nguyên tắc hoạt động liên tục không còn phù hợp để lập báo cáo tài chính nữa thì doanh nghiệp phải thay đổi căn bản cơ sở kế toán chứ không phải chỉ điều chỉnh số liệu đã ghi nhận theo cơ sở kế toán ban đầu.
14. Chuẩn mực kế toán số 21 "Trình bày báo cáo tài chính" quy định phải giải trình trong trường hợp:
a - Báo cáo tài chính không được lập trên cơ sở nguyên tắc hoạt động liên tục.
b - Ban Giám đốc nhận thấy có vấn đề không chắc chắn trọng yếu liên quan đến các sự kiện hoặc điều kiện dẫn đến những nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Những sự kiện hoặc điều kiện quy định phải giải trình này có thể phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
Trình bày báo cáo tài chính
Ngày phát hành báo cáo tài chính
15. Doanh nghiệp phải trình bày ngày phát hành báo cáo tài chính và người quyết định phát hành. Nếu chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc người khác có thẩm quyền yêu cầu sửa đổi báo cáo tài chính trước khi phát hành, doanh nghiệp phải trình bày việc này.
16. Điều quan trọng đối với người sử dụng báo cáo tài chính là phải biết là báo cáo tài chính không phản ánh các sự kiện phát sinh sau ngày phát hành.
Trình bày về sự kiện tồn tại trong kỳ kế toán năm
17. Nếu doanh nghiệp nhận được thông tin sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm về các sự kiện tồn tại trong kỳ kế toán năm, doanh nghiệp phải trình bày về các sự kiện này trên cơ sở xem xét những thông tin mới.
18. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp phải trình bày trong báo cáo tài chính để phản ánh thông tin nhận được sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm, ngay cả khi thông tin này không ảnh hưởng đến các số liệu đã trình bày trong báo cáo tài chính. Ví dụ: Sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm có bằng chứng về việc sẽ xảy ra một khoản nợ tiềm tàng đã tồn tại trong kỳ kế toán năm.
Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh
19. Nếu các sự kiện không cần điều chỉnh phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm là trọng yếu, việc không trình bày các sự kiện này có thể ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng khi dựa trên các thông tin của báo cáo tài chính. Vì vậy doanh nghiệp phải trình bày đối với các sự kiện trọng yếu không cần điều chỉnh về:
(a) Nội dung và số liệu của sự kiện;
(b) ước tính ảnh hưởng về tài chính, hoặc lý do không thể ước tính được các ảnh hưởng này.
20. Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh cần phải trình bày trên báo cáo tài chính, như:
(a) Việc hợp nhất kinh doanh theo quy định của Chuẩn mực kế toán "Hợp nhất kinh doanh" hoặc việc thanh lý công ty con của tập đoàn;
(b) Việc công bố kế hoạch ngừng hoạt động, việc thanh lý tài sản hoặc thanh toán các khoản nợ liên quan đến ngừng hoạt động; hoặc việc tham gia vào một hợp đồng ràng buộc để bán tài sản hoặc thanh toán các khoản nợ;
(c) Mua sắm hoặc thanh lý tài sản có giá trị lớn;
(d) Nhà xưởng sản xuất bị phá hủy vì hỏa hoạn, bão lụt;
(e) Thực hiện tái cơ cấu chủ yếu;
(f) Các giao dịch chủ yếu và tiềm năng của cổ phiếu thường;
(g) Thay đổi bất thường, quan trọng về giá bán tài sản hoặc tỷ giá hối đoái.
(h) Thay đổi về thuế có ảnh hưởng quan trọng đến tài sản, nợ thuế hiện hành hoặc thuế hoãn lại;
(i) Tham gia những cam kết, thỏa thuận quan trọng hoặc những khoản nợ tiềm tàng;
(j) Xuất hiện những vụ kiện tụng lớn./.
HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN CHUẨN MỰC “CÁC SỰ KIỆN PHÁT SINH SAU NGÀY KẾT THÚC KỲ KẾ TOÁN NĂM”
(Theo Thông tư 20/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 của Bộ tài chính)
1. Quy định chung
1.1. Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm là những sự kiện có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến báo cáo tài chính đã xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm đến trước ngày phát hành báo cáo tài chính, gồm hai loại:
(a) Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh là những sự kiện có các bằng chứng bổ sung về các sự kiện tồn tại vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần phải điều chỉnh sổ kế toán và báo cáo tài chính;
(b) Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh là những sự kiện có dấu hiệu về các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cung cấp bằng chứng về các sự việc đã tồn tại trong năm tài chính không ảnh hưởng đến báo cáo tài chính nên không cần phải điều chỉnh sổ kế toán và báo cáo tài chính.
1.2. Doanh nghiệp phải điều chỉnh các số liệu đã được ghi nhận trong báo cáo tài chính để phản ánh các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh. Trường hợp này, doanh nghiệp phải:
- Điều chỉnh các số liệu đã ghi nhận trong sổ kế toán và các thông tin đã trình bày trong báo cáo tài chính; hoặc
- Ghi nhận những khoản mục mà trước đó chưa được ghi nhận.
1.3. Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh sổ kế toán và báo cáo tài chính phải là các sự kiện cung cấp bằng chứng về các sự việc đã tồn tại trong năm tài chính và phải xác định được (định lượng được).
1.4. Việc điều chỉnh sổ kế toán và báo cáo tài chính về những sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm, được thực hiện theo một trong ba phương pháp điều chỉnh sổ kế toán quy định trong Luật Kế toán như: Phương pháp cải chính, phương pháp ghi số âm hoặc phương pháp ghi bổ sung.
1.5. Đối với các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh, doanh nghiệp có thể trình bày trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính.
1.6. Các sự kiện phát sinh sau ngày phát hành báo cáo tài chính không thuộc phạm vi áp dụng và hướng dẫn của Chuẩn mực kế toán số 23 “Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm” và hướng dẫn tại Thông tư này.
1.7. Đối với các khoản cổ tức của cổ đông công bố sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm nhưng trước ngày phát hành báo cáo tài chính, doanh nghiệp không phải ghi nhận là các khoản nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán tại ngày kết thúc kỳ kế toán năm, mà được trình bày trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính theo quy định của Chuẩn mực kế toán số 21 “Trình bày báo cáo tài chính”.
1.8. Trường hợp sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm, Ban Giám đốc xác nhận có dự kiến thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động, ngừng sản xuất, kinh doanh, phá sản hoặc giải thể thì doanh nghiệp không được lập báo cáo tài chính trên cơ sở nguyên tắc hoạt động liên tục. Trường hợp này báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở hoạt động không liên tục.
Khi nhận thấy sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm, kết quả kinh doanh bị giảm sút đáng kể và tình hình tài chính xấu đi nghiêm trọng thì doanh nghiệp phải xem xét nguyên tắc hoạt động liên tục có còn phù hợp để lập báo cáo tài chính hay không. Nếu nguyên tắc hoạt động liên tục không còn phù hợp để lập báo cáo tài chính khi có dự kiến theo một trong các tình trạng trên thì doanh nghiệp phải thay đổi căn bản cơ sở kế toán và lập báo cáo tài chính chứ không chỉ điều chỉnh lại số liệu đã ghi nhận theo cơ sở kế toán ban đầu.
2. Quy định cụ thể
2.1. Hướng dẫn kế toán các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh
2.1.1. Trường hợp sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm đến ngày phát hành báo cáo tài chính, doanh nghiệp nhận được thông tin về các sự kiện xác nhận nghĩa vụ hiện tại vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm đòi hỏi phải điều chỉnh khoản dự phòng đã được ghi nhận từ trước, ghi nhận những khoản dự phòng mới hoặc ghi nhận những khoản nợ phải thu, nợ phải trả mới.
Ví dụ: Kết luận của toà án sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm xác nhận doanh nghiệp sản xuất ô tô Hoà Bình có nghĩa vụ hiện tại vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm dự kiến sẽ phải thanh toán chi phí bảo hành sản phẩm cao hơn số dự phòng chi phí bảo hành đã lập. Trường hợp này doanh nghiệp Hoà Bình phải điều chỉnh tăng dự phòng chi phí bảo hành đã lập để đảm bảo đủ nguồn thực hiện nghĩa vụ chi trả về bảo hành sản phẩm cho khách hàng. Căn cứ vào số dự phòng chi phí bảo hành sản phẩm phải lập và số dự phòng đã lập, kế toán điều chỉnh sổ kế toán khoản dự phòng chi phí bảo hành sản phẩm cho khách hàng như sau:
a. Căn cứ vào khoản dự phòng bảo hành sản phẩm cần phải lập thêm, ghi:
Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng (Số dự phòng cần phải lập thêm)
Có TK 352 – Dự phòng phải trả.
b. Kết chuyển tăng chi phí bán hàng để xác định kết quả, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 641 – Chi phí bán hàng.
c. Điều chỉnh giảm Thuế TNDN phải nộp (nếu có) và điều chỉnh giảm chi phí thuế TNDN hiện hành, ghi:
Nợ TK 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp
Có TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
Đồng thời kết chuyển giảm chi phí thuế TNDN hiện hành (Nếu đã thực hiện bút toán kết chuyển cuối kỳ), ghi:
Nợ TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
d. Điều chỉnh giảm lợi nhuận chưa phân phối (Nếu đã thực hiện bút toán kết chuyển cuối kỳ), ghi:
Nợ TK 421 – Lợi nhuận chưa phân phối (4212 - Lợi nhuận chưa phân phối năm nay)
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
* Doanh nghiệp có thể lập các bút toán điều chỉnh theo phương pháp ghi số âm (ghi đỏ) bằng số chênh lệch giữa số đã ghi lớn hơn số đúng, như sau:
Ngoài bút toán điều chỉnh sổ kế toán như điểm a, b ở trên, kế toán còn điều chỉnh sổ kế toán bằng các bút toán:
+ Điều chỉnh giảm (ghi số âm) số thuế TNDN phải nộp và điều chỉnh giảm (ghi số âm) chi phí thuế TNDN hiện hành, được xác định bằng số chênh lệch giữa số thuế TNDN phải nộp đã ghi lớn hơn số thuế TNDN phải nộp sau khi đã điều chỉnh. Số chênh lệch điều chỉnh giảm (ghi số âm) số thuế TNDN phải nộp, ghi:
Nợ TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Có TK 3334- Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đồng thời điều chỉnh bút toán kết chuyển giảm (ghi số âm) chi phí thuế TNDN hiện hành (nếu đã thực hiện bút toán kết chuyển cuối kỳ), ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
+ Điều chỉnh bút toán kết chuyển lãi giảm (ghi số âm) (nếu đã thực hiện bút toán kết chuyển lãi cuối kỳ) được xác định bằng số chênh lệch giữa số lãi đã kết chuyển lớn hơn số lãi sau khi đã điều chỉnh. Số chênh lệch điều chỉnh bút toán kết chuyển lãi giảm (ghi số âm), ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 421 – Lợi nhuận chưa phân phối.
2.1.2. Trường hợp sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm đến ngày phát hành báo cáo tài chính, doanh nghiệp nhận được thông tin cung cấp bằng chứng về một tài sản bị tổn thất trong kỳ kế toán năm, hoặc giá trị của khoản tổn thất được ghi nhận từ trước đối với tài sản này cần phải điều chỉnh thì xử lý như sau:
Ví dụ: Trường hợp sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm đến ngày phát hành báo cáo tài chính, doanh nghiệp bán hàng tồn kho và có bằng chứng về giá trị thuần có thể thực hiện được vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm của hàng tồn kho bị giảm giá thì doanh nghiệp phải căn cứ vào giá bán hàng tồn kho để tính toán số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập cho lượng hàng tồn kho này. Căn cứ vào số dự phòng phải lập và số dự phòng đã lập, kế toán phải điều chỉnh trên sổ kế toán khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho như sau:
a. Trường hợp số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập lớn hơn số dự phòng đã lập:
Căn cứ chênh lệch giữa số dự phòng phải lập lớn hơn số dự phòng đã lập, kế toán điều chỉnh sổ kế toán có thể theo một trong hai cách sau:
(1) Ghi tăng số dự phòng giảm giá hàng tồn kho và ghi tăng giá vốn hàng bán:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (Chênh lệch số dự phòng phải lập lớn hơn số dự phòng đã lập)
Có TK 159 - Dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
(2) Kết chuyển tăng giá vốn hàng bán để xác định kết quả, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
(3) Điều chỉnh giảm Thuế TNDN phải nộp (nếu có), ghi:
Nợ TK 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp
Có TK 8211 – Chi phí thuế TNDN hiện hành.
Đồng thời kết chuyển giảm chi phí thuế TNDN hiện hành sang TK 911 (nếu đã thực hiện bút toán kết chuyển cuối kỳ), ghi:
Nợ TK 8211 – Chi phí thuế TNDN hiện hành
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
(4) Điều chỉnh giảm lợi nhuận chưa phân phối (nếu đã thực hiện bút toán kết chuyển cuối kỳ), ghi:
Nợ TK 421 – Lợi nhuận chưa phân phối (Tk 4212 - Lợi nhuận chưa phân phối năm nay)
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
* Doanh nghiệp có thể lập các bút toán điều chỉnh theo phương pháp ghi số âm (ghi đỏ) bằng số chênh lệch giữa số đã ghi lớn hơn số đúng, như sau:
Ngoài bút toán điều chỉnh sổ kế toán như điểm (1), (2) ở trên, kế toán còn điều chỉnh sổ kế toán như sau:
+ Điều chỉnh giảm (ghi số âm) số thuế TNDN phải nộp và điều chỉnh giảm (ghi số âm) chi phí thuế TNDN hiện hành (nếu có), được xác định bằng số chênh lệch giữa số thuế TNDN phải nộp đã ghi lớn hơn số thuế TNDN phải nộp sau khi đã điều chỉnh. Số chênh lệch điều chỉnh giảm (ghi số âm) số thuế TNDN phải nộp, ghi:
Nợ TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Có TK 3334- Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đồng thời điều chỉnh bút toán kết chuyển giảm (ghi số âm) chi phí thuế TNDN hiện hành (nếu đã thực hiện bút toán kết chuyển cuối kỳ), ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
+ Điều chỉnh bút toán kết chuyển lãi giảm (ghi số âm) (nếu đã thực hiện bút toán kết chuyển lãi cuối kỳ) được xác định bằng số chênh lệch giữa số lãi đã kết chuyển lớn hơn số lãi sau khi đã điều chỉnh. Số chênh lệch điều chỉnh bút toán kết chuyển lãi giảm (ghi số âm), ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 421 – Lợi nhuận chưa phân phối.
b. Trường hợp số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập nhỏ hơn số dự phòng đã lập:
Căn cứ chênh lệch giữa số dự phòng phải lập nhỏ hơn số dự phòng đã lập, kế toán điều chỉnh sổ kế toán có thể theo cách sau:
(1) Ghi giảm dự phòng giảm giá hàng tồn kho và ghi giảm giá vốn hàng bán
Nợ TK 159 - Dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (Chênh lệch số dự phòng phải lập nhỏ hơn số dự phòng đã lập).
(2) Kết chuyển giảm giá vốn hàng bán để xác định kết quả, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
(3) Điều chỉnh tăng thuế TNDN phải nộp (nếu có), ghi:
Nợ TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Có TK 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đồng thời kết chuyển tăng chi phí thu nhập doanh nghiệp hiện hành sang TK 911 (Nếu đã thực hiện bút toán kết chuyển cuối kỳ), ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
(4) Điều chỉnh tăng lợi nhuận chưa phân phối (Nếu đã thực hiện bút toán kết chuyển cuối kỳ), ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh (TK 4212 - Lợi nhuận chưa phân phối năm nay)
Có TK 421 – Lợi nhuận chưa phân phối.
* Doanh nghiệp có thể lập các bút toán điều chỉnh theo phương pháp ghi số âm (ghi đỏ) số chênh lệch giữa số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập nhỏ hơn số dự phòng đã lập như sau:
(1) Ghi giảm (ghi đỏ) dự phòng giảm giá hàng tồn kho và ghi giảm giá vốn hàng bán số chênh lệch giữa số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập nhỏ hơn số dự phòng đã lập:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 159 - Dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
(2) Kết chuyển giảm (ghi đỏ) giá vốn hàng bán về số chênh lệch giữa số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập nhỏ hơn số dự phòng đã lập, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
(3) Điều chỉnh tăng thuế thu nhập doanh nghiệp phải nôp (nếu có) và điều chỉnh tăng lợi nhuận chưa phân phối trên sổ kế toán như điểm (3) (4) ở trên.
2.1.3. Các trường hợp khác về xác nhận nghĩa vụ hoặc ảnh hưởng đến giá trị tài sản thì doanh nghiệp căn cứ vào các hướng dẫn trên để ghi nhận các bút toán điều chỉnh phù hợp với quy định của Chuẩn mực kế toán số 23 “Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm”.
2.1.4. Trường hợp sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm đến trước ngày phát hành báo cáo tài chính, doanh nghiệp phát hiện những gian lận và sai sót chỉ ra rằng báo cáo tài chính không được chính xác thì tuỳ theo từng trường hợp cụ thể (có kết luận xử lý hoặc chưa), đơn vị lập chứng từ kế toán và thực hiện các bút toán điều chỉnh trên sổ kế toán và báo cáo tài chính phù hợp với quy định của Chuẩn mực kế toán số 23 “Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm” và Thông tư hướng dẫn chuẩn mực này.
2.2. Trình bày báo cáo tài chính
2.2.1. Trình bày về sự kiện tồn tại trong kỳ kế toán năm
Nếu doanh nghiệp nhận được thông tin sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm về các sự kiện tồn tại trong kỳ kế toán năm, doanh nghiệp phải trình bày về các sự kiện này trên cơ sở xem xét những thông tin mới. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp phải trình bày trong báo cáo tài chính để phản ánh thông tin nhận được sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm, ngay cả khi thông tin này không ảnh hưởng đến các số liệu đã trình bày trong báo cáo tài chính. Ví dụ: Sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm có bằng chứng về việc sẽ xảy ra một khoản nợ tiềm tàng đã tồn tại trong kỳ kế toán năm.
2.2.2. Trình bày các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh
Nếu các sự kiện không cần điều chỉnh phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm là trọng yếu, việc không trình bày các sự kiện này có thể ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng khi dựa trên các thông tin của báo cáo tài chính. Vì vậy doanh nghiệp phải trình bày đối với các sự kiện trọng yếu không cần điều chỉnh về: Nội dung và số liệu của sự kiện; ước tính ảnh hưởng về tài chính, hoặc lý do không thể ước tính được các ảnh hưởng này.
Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh cần phải trình bày trên báo cáo tài chính, như:
- Việc hợp nhất kinh doanh theo quy định của Chuẩn mực kế toán "Hợp nhất kinh doanh" hoặc việc thanh lý công ty con của tập đoàn;
- Việc công bố kế hoạch ngừng hoạt động, việc thanh lý tài sản hoặc thanh toán các khoản nợ liên quan đến ngừng hoạt động; hoặc việc tham gia vào một hợp đồng ràng buộc để bán tài sản hoặc thanh toán các khoản nợ;
- Hàng bán bị trả lại;
- Mua sắm hoặc thanh lý tài sản có giá trị lớn;
- Nhà xưởng sản xuất bị phá hủy vì hỏa hoạn, bão lụt;
- Thực hiện tái cơ cấu chủ yếu;
- Các giao dịch chủ yếu và tiềm năng của cổ phiếu phổ thông;
- Thay đổi bất thường, quan trọng về giá bán tài sản hoặc tỷ giá hối đoái;
- Thay đổi về thuế có ảnh hưởng quan trọng đến tài sản, nợ thuế hiện hành hoặc thuế hoãn lại;
- Tham gia những cam kết, thỏa thuận quan trọng hoặc những khoản nợ tiềm tàng;
- Xuất hiện những vụ kiện tụng lớn.
Biểu tượngBiểu tượng