Không khai trình lao động doanh nghiệp có bị phạt?

Không khai trình lao động doanh nghiệp có bị phạt?
Theo quy định doanh nghiệp phải khai trình sử dụng lao động và báo cáo tình hình thay đổi lao động về cơ quan quản lý lao động Quận/ Huyện nơi doanh nghiệp trú đóng.


Doanh nghiệp phải nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động?

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH (hiệu lực từ ngày 20/10/2014) của Bộ lao động thương binh và xã hội thì doanh nghiệp phải khai trình lao động, báo cáo về Sở/ Phòng lao động- thương binh xã hội Quận/ Huyện:

"1. Việc khai trình sử dụng lao động khi bắt đầu hoạt động của người sử dụng lao động quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 03/2014/NĐ-CP được thực hiện theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi về lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 03/2014/NĐ-CP trước ngày 25 tháng 5 và ngày 25 tháng 11 hằng năm theo mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư này...".


Như vậy, doanh nghiệp phải báo cáo tình hình lao động về cơ quan quản lý lao động Quận/ Huyện theo mẫu 05 và 07 ban hành kèm Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH (Thông tư này đến nay, 24/05/2018 vẫn còn hiệu lực).

 Không nộp báo cáo về lao động, doanh nghiệp có bị phạt?

Quy định về mức phạt khi doanh nghiệp không nộp hoặc chậm nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động, tại Điều 25 Nghị định 95/2013/NĐ-CP (hiệu lực từ ngày ngày 10/10/2013) như sau:

"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không lập sổ quản lý lao động, sổ lương hoặc không xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

b) Không khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động và định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương".

Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 88/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều Điều Nghị định 95/2013/NĐ-CP) có hiệu lực từ 25/11/2015 đã bãi bỏ Điều 25 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:

"2. Bãi bỏ Điểm b Khoản 2 Điều 11, Điều 25 của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng".

Đây có thể là tin vui cho những ai "quên" khai trình, nộp báo cáo tính hình biến động lao động về cơ quan quản lý lao động. Vì không còn căn cứ, chế tài để xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không nộp báo cáo lao động như trước đây.

Dù vậy, Nghị định 88/2015/NĐ-CP tái khẳng định mức phạt đối với doanh nghiệp không mở Sổ quản lý lao động theo yêu cầu lưu tại doanh nghiệp để theo dõi, kiểm tra khi bổ sung Điều 4 Nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:


"2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Thu tiền của người lao động tham gia tuyển lao động;

b) Không lập sổ quản lý lao động; lập sổ quản lý lao động không đúng thời hạn, không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật; không ghi chép, nhập đầy đủ thông tin về người lao động vào sổ quản lý lao động khi hợp đồng lao động có hiệu lực; không cập nhật thông tin khi có sự thay đổi vào sổ quản lý lao động...".

Tóm lại:

- Doanh nghiệp vẫn phải khai trình việc sử dụng lao động, báo cáo báo cáo tình hình thay đổi lao động (Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH) về cơ quan quản lý lao động nhưng nếu chậm nộp báo cáo thì cũng không sao, không bị phạt (*).

- Doanh nghiệp phải mở Sổ quản lý để theo dõi tình hình lao động (Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH), không lập hoặc lập không đầy đủ các chỉ tiêu có thể bị phạt đến 3 triệu đồng nếu cơ quan quản lý lao động kiểm tra, phát hiện.

(*) Doanh nghiệp nên nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động về cơ quan quản lý lao động địa phương theo đúng yêu cầu, hạn định nhằm giảm hệ lụy, rủi ro về pháp lý khi mà Luật đang có nhiều thay đổi.
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »