Việc khai khống báo cáo tái chính là một trong những yếu tố hỗ trợ cho thao túng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, và thao túng báo cáo tài chính (BCTC) đang là chủ đề được giới đầu tư hết sức quan tâm.
Tình trạng thao túng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp (DN) niêm yết trên thị trường chứng khoán diễn ra không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến các cổ đông của doanh nghiệp, mà còn tác động xấu đến tính minh bạch và niềm tin của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp khắc phục tình trạng này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cổ đông, giới đầu tư, đồng thời gia tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán Việt Nam?
Nhận diện thao túng báo cáo tài chính
Đánh giá về thực trạng thao túng báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp (DN) niêm yết hiện nay, chia sẻ góc nhìn tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Thao túng báo cáo tài chính của các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”, do Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức gần đây, PGS.,TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế cho rằng, các hành vi thao túng BCTC xuất hiện thường xuyên hơn trên thị trường tài chính trong 2 năm gần đây. Điều này có tác động xấu đến niềm tin của nhà đầu tư và mức độ minh bạch của thị trường tài chính.
Năm 2016-2017 có nhiều vấn đề về BCTC của các DN niêm yết thể hiện qua việc DN thổi phồng doanh thu và lợi nhuận. Trong khoảng thời gian này, tài sản trên báo cáo tài chính của không ít DN niêm yết tăng rất mạnh, nhất là ở những DN có lợi thế thương mại, trong khi điều này không hiện hữu trên thực tế, mà chỉ là mua bán thương mại. Đây chính là hành vi thao túng BCTC.
Sau sự kiện Công ty cổ phần Gỗ Trường Thành, mã chứng khoán TTF đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh xảy ra vào tháng 2/2016, với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho biến mất trên BCTC, nhiều công ty niêm yết khác cũng đã bị phát hiện có vấn đề về BCTC. Khi sự việc bị vỡ lở, giá cổ phiếu lao dốc không phanh, nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại lớn dẫn tới niềm tin vào tính minh bạch trên thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Từ thực tiễn và kinh nghiệm nhiều năm hành nghề kế toán, Viện Kế toán Quản trị công chứng Australia tại Việt Nam đã xây dựng mô hình kiểm chứng và phát hiện ra các hành vi thao túng BCTC là F-Score và M-Score. Cả hai mô hình này đều định lượng các chỉ tiêu tài chính, phi tài chính nhằm khoanh vùng và phát hiện ra các hành vi bóp méo số liệu kế toán áp dụng cho các công ty niêm yết tại Việt Nam.
Phương pháp phát hiện ra các hành vi này được thiết lập cụ thể từ xác định động cơ của hành vi, khoanh vùng bằng cách sử dụng mô hình định lượng, xác định các dấu hiệu và các thủ thuật thông dụng nhất trên thị trường tài chính. Phương pháp này đòi hỏi người sử dụng phải có hiểu biết về ngành nghề kinh doanh của công ty đang được đánh giá, hiểu về cấu trúc sở hữu và các kỹ thuật đánh giá các khoản dồn tích kết hợp với các mô hình định lượng. Từ đó, người sử dụng có thể phát hiện ra các sai lệch cụ thể trên một BCTC.
Nguyên nhân chủ quan của tình trạng số liệu tài chính trước và sau kiểm toán chênh lệch lớn là có lý do từ ý đồ can thiệp vào báo cáo tài chính của DN vì mục đích khác nhau. DN muốn họ can thiệp vào báo cáo tài chính để “làm đẹp” hồ sơ phát hành trái phiếu, cổ phiếu, vay vốn, chứng minh năng lực tài chính với đối tác, khách hàng…
Khi áp dụng dụng mô hình trên, vấn đề của Công ty cổ phần Gỗ Trường Thành được nhận diện là không phải nằm ở hàng tồn kho như công bố của công ty, mà là gần 10 năm công ty đã đẩy khống doanh thu lên nhiều lần, sau đó “chế biến” thành hàng tồn kho có giá trị lên đến 2.200 tỷ đồng. Khi sự việc bị vỡ lở, không phải 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho biến mất, mà vấn đề nằm ở chỗ tồn tại doanh thu khống suốt gần 10 năm. Sau vụ việc này nhiều DN khác cũng bị phát hiện có dấu hiệu thao túng BCTC. Hiện tượng trên có nhiều nguyên nhân nhưng có lý do là DN Việt Nam đã nhanh chóng du nhập chiêu thức này từ DN nước ngoài.
Hệ quả của việc DN “nhào nặn” số liệu trên BCTC còn biểu hiện qua tình trạng số liệu trên BCTC trước kiểm toán của không ít DN niêm yết khác xa so với sau kiểm toán, thậm chí có DN chuyển từ lãi trước kiểm toán BCTC sang lỗ. Nguyên nhân của tình trạng này là do năng lực lập BCTC của DN còn hạn chế. Đội ngũ kế toán ở nhiều công ty, trong đó có DN niêm yết chưa mạnh.
Mặt khác, hệ thống chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán của Việt Nam còn khiếm khuyết so với thông lệ và chuẩn mực quốc tế (còn thiếu nhiều chuẩn mực tế toán). Vì thế chế độ kế toán của Việt Nam không bao phủ hết các tình huống trên thị trường với nhiều ngành nghề đa dạng. Điều này khiến cho đội ngũ kế toán khó xử lý trong thực tế.
Ngoài nguyên nhân khách quan trên, còn nguyên nhân chủ quan của tình trạng số liệu tài chính trước và sau kiểm toán chênh lệch lớn là có lý do từ ý đồ can thiệp vào BCTC của DN vì mục đích khác nhau. DN muốn họ can thiệp vào BCTC để “làm đẹp” hồ sơ phát hành trái phiếu, cổ phiếu, vay vốn, chứng minh năng lực tài chính với đối tác, khách hàng… Đó là chưa kể, theo quy định của pháp luật chứng khoán hiện hành, nếu DN bị lỗ trong 3 năm liên tiếp thì sẽ bị buộc hủy niêm yết, nên không loại trừ khả năng DN tìm cách “làm đẹp” số liệu tài chính, để không bị rơi vào thua lỗ triền miên dẫn đến bị buộc phải rời sàn niêm yết.
Câu hỏi đặt ra là khi sai lệch số liệu trên BCTC kiểm toán xảy ra, thì đâu là lỗi của DN niêm yết, đâu là trách nhiệm của công ty kiểm toán? Theo các chuyên gia chứng khoán, cần rõ ràng trong việc lập BCTC là trách nhiệm của DN. Trách nhiệm của kiểm toán là đưa ra ý kiến về BCTC dựa trên kết quả kiểm toán. Cho nên kiểm toán chỉ có trách nhiệm với phần ý kiến của họ trên BCTC của DN.
Tuy nhiên, chất lượng BCTC đã được kiểm toán nhưng vẫn kém, thì có thể do 2 nguyên nhân. Đầu tiên là chính bản thân DN đã chủ đích, có ý đồ “xào nấu” số liệu, để làm đẹp BCTC. Ở đây kiểm toán chịu rủi ro. Vấn đề thứ hai là bản thân kiểm toán đưa ra ý kiến dựa trên chuẩn mực kiểm toán, trong khi chuẩn mực này đưa ra một khung nhiều khi kiểm toán được linh hoạt trong khung đó.
Các DN niêm yết và công ty kiểm toán phần lớn tuân thủ các chuẩn mực, tính minh bạch, đạo đức nghề nghiệp, nhưng không loại trừ trường hợp cố tình sai phạm. Trên thực tế nhiều trường hợp đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý.
Khi DN thao túng BCTC, vấn đề đặt ra liên quan đến tính chính trực của DN, năng lực của kiểm toán. Nếu kiểm toán không đủ năng lực, nhất là với những trường hợp DN có hàng tồn kho lớn, cần đội ngũ kiểm toán lớn tham gia chứng kiến kiểm kê, hoặc có thể làm được nhưng phải đối mặt với mâu thuẫn là giá phí kiểm toán bị khống chế.
Hệ lụy của tình trạng thao túng báo cáo tài chính
Tình trạng thao túng BCTC đang diễn ra đáng quan ngại và gây nên nhiều hệ lụy như: tạo ra trào lưu gian lận làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Có 2 nhóm nhà đầu tư bị ảnh hưởng lớn là nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhà đầu tư nước ngoài. Với nhà đầu tư nhỏ lẻ, xét về thực chất chỉ có quyền mua và bán cổ phiếu, hoạt động chất vấn tại Đại hội đồng cổ đông không đáng kể.
Còn với nhà đầu tư nước ngoài, do bị rào cản ngôn ngữ, các quy định pháp lý nên việc thao túng BCTC ảnh hưởng đến quyền lợi của họ ngay. Có trường hợp nhà đầu tư “cháy” tài khoản vì DN công bố thông tin gian lận dẫn đến giá cổ phiếu sập sàn nhiều phiên, nhưng nhà đầu tư không bán được.
Nhiều quốc gia trên thế giới luôn chú trọng bảo vệ hai nhóm nhà đầu tư trên, đặc biệt là trước các rủi ro về gian lận BCTC. Đây là một trong những cách để thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Giải pháp khắc phục tình trạng thao túng báo cáo tài chính
Muốn giảm thiểu hành vi thao túng BCTC, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tối ưu cấu trúc quản trị công ty, tăng cường chất lượng kiểm toán. Với các DN niêm yết, việc chuyển đổi sang áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) là thiết yếu. Nhà đầu tư phải tự trang bị cho mình phương pháp tốt nhất trong việc phát hiện ra các hành vi thao túng BCTC, từ đó thực thi quyền giám sát các công ty niêm yết trên thị trường.
Tình trạng thao túng BCTC cũng có nguyên nhân là chế tài còn yếu. Hiện nay, các biện pháp xử lý mới chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính theo hai nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và kế toán. Do đó, để ngăn chặn tình trạng gian lận BCTC, cần có chế tài đủ mạnh theo hướng phải quy thao túng BCTC là hành vi thao túng và thu lợi bất chính trong lĩnh vực chứng khoán để xử lý theo chế tài hình sự...
Bên cạnh đó, cùng với tăng cường hoàn thiện hệ thống pháp lý về kế toán, kiểm toán, công bố thông tin theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, cũng như đẩy mạnh các hoạt động thanh, kiểm tra, nhằm nâng cao chất lượng BCTC nói riêng, quản trị công ty nói chung, để đấu tranh có hiệu quả với hành vi thao túng BCTC, các bên tham gia thị trường như nhà đầu tư, cơ quan quản lý, nhà tạo lập thị trường, các hãng phân tích cần tích cực nắm bắt và sử dụng các phương pháp phát hiện các hành vi thao túng BCTC phù hợp với thị trường Việt Nam.
Ở nhiều thị trường, hành vi thao túng BCTC được coi là vi phạm nghiêm trọng, nên họ áp dụng chế tài hình sự để xử lý nhằm đảm bảo tính răn đe. Tại thị trường phát triển như Mỹ, sau sự kiện gian lận xảy ra ở Công ty Enron năm 2002, Mỹ ban hành Luật Quản trị công ty. Cùng với đó, Mỹ thành lập Ủy ban Giám sát kế toán các công ty đại chúng (PCAOB). Ủy ban này quản lý cả chất lượng kế toán lẫn kiểm toán.
Tại Việt Nam, do hệ thống chuẩn mực kế toán còn đơn giản, thị trường phát triển chưa lâu, nên các hành vi phạm không quá khó để phát hiện. Vấn đề là nhà quản lý cần quyết tâm đấu tranh với các hành vi vi phạm này, để gia tăng niềm tin trong giới đầu tư, cũng như tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán.
Việt Nam khó có thể thành lập PCAOB độc lập như Mỹ, nhưng có thể xem xét thành lập đơn vị thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Cùng với đó cần sửa cơ chế DN buộc phải giải trình theo hướng đi thẳng vào những vấn đề tiềm ẩn gian lận, dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư như: Giao dịch với bên liên quan lớn; giao dịch của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn… tránh giải trình hình thức kiểu như chênh lệch lợi nhuận 10% so với kỳ kế toán trước, thì thường DN giải trình theo kiểu nhờ doanh thu tăng, chi phí giảm.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chế tài xử phạt các vi phạm về quản trị công ty theo hướng cập nhật nhanh các hành vi phát sinh từ thực tế, để đảm bảo tính răn đe. Mặt khác, khẩn trương tiệm cận gần hơn nữa các chuẩn mực kế toán quốc tế, hoàn thiện hệ thống cơ chế giám sát, xử lý vi phạm, nhất là các vi phạm về thao túng BCTC.
Về phần mình, nhà đầu tư cần nâng cao trình độ để nhận diện các gian lận trên BCTC để bảo vệ mình. Cùng với đó cần nâng cao vai trò của các hội nghề nghiệp, ở đó có nhiều chuyên gia về kế toán, kiểm toán sẽ trợ giúp hiệu quả cho nhà đầu tư trong nhận diện các rủi ro về gian lận BCTC, để chủ động phòng ngừa rủi ro trong quá trình đầu tư.
ThS. Đào Duy Hà.
ThS. Đào Duy Hà.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội, Bộ Luật hình sự 2015;
2. Quốc hội, Luật Chứng khoán;
3. Quốc hội, Luật Kế toán;
4. Quốc hội, Luật Kiểm toán;
5. Chính phủ, Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;
6. Chính phủ, Nghị định 105/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.
(Theo Tapchitaichinh)
Biểu tượngBiểu tượng