Nhóm tài khoản trích lập các quỹ doanh nghiệp (TK 353, 356, 357)

Hệ thống tài khoản kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC
Nhóm tài khoản trích lập các quỹ doanh nghiệp bao gồm tài khoản 353, 356, 357 được cập nhật mới nhất theo Thông tư 200/2014/TT-BTC và Thông tư 53/2016/TT-BTC.


Tài khoản 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi


1. Nguyên tắc kế toán

a) Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có, tình hình tăng, giảm quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty của doanh nghiệp. Quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi được trích từ lợi nhuận sau thuế TNDN của doanh nghiệp để dùng cho công tác khen thưởng, khuyến khích lợi ích vật chất, phục vụ nhu cầu phúc lợi công cộng, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
b) Việc trích lập và sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty phải theo chính sách tài chính hiện hành.

c) Quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty phải được hạch toán chi tiết theo từng loại quỹ.

d) Đối với TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng quỹ phúc lợi khi hoàn thành dùng vào sản xuất, kinh doanh, kế toán ghi tăng TSCĐ đồng thời ghi tăng Vốn đầu tư của chủ sở hữu và giảm quỹ phúc lợi.

đ) Đối với TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng quỹ phúc lợi khi hoàn thành dùng cho nhu cầu văn hóa, phúc lợi của doanh nghiệp, kế toán ghi tăng TSCĐ và đồng thời được kết chuyển từ Quỹ phúc lợi (TK 3532) sang Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ (TK 3533). Những TSCĐ này hàng tháng không trích khấu hao TSCĐ vào chi phí mà cuối niên độ kế toán tính hao mòn TSCĐ một lần /một năm để ghi giảm Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ.

2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi

Bên Nợ:

- Các khoản chi tiêu quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty;

- Giảm quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ khi tính hao mòn TSCĐ hoặc do nhượng bán, thanh lý, phát hiện thiếu khi kiểm kê TSCĐ;

- Đầu tư, mua sắm TSCĐ bằng quỹ phúc lợi khi hoàn thành phục vụ nhu cầu văn hóa, phúc lợi;

- Cấp quỹ khen thưởng, phúc lợi cho cấp dưới.

Bên Có

- Trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty từ lợi nhuận sau thuế TNDN;

- Quỹ khen thưởng, phúc lợi được cấp trên cấp;

- Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ tăng do đầu tư, mua sắm TSCĐ bằng quỹ phúc lợi hoàn thành đưa vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hoặc hoạt động văn hoá, phúc lợi.

Số dư bên Có: Số quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi hiện còn của doanh nghiệp.

Tài khoản 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi, có 4 tài khoản cấp 2:

- Tài khoản 3531 - Quỹ khen thưởng: Phản ánh số hiện có, tình hình trích lập và chi tiêu quỹ khen thưởng của doanh nghiệp.

- Tài khoản 3532 - Quỹ phúc lợi: Phản ánh số hiện có, tình hình trích lập và chi tiêu quỹ phúc lợi của doanh nghiệp.

- Tài khoản 3533 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ: Phản ánh số hiện có, tình hình tăng, giảm quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ của doanh nghiệp.

- Tài khoản 3534 - Quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty: Phản ánh số hiện có, tình hình trích lập và chi tiêu Quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty.

3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu

a) Trong năm khi tạm trích quỹ khen thưởng, phúc lợi, ghi:

Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

    Có TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532, 3534).

b) Cuối năm, xác định quỹ khen thưởng, phúc lợi được trích thêm, ghi:

Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

    Có TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532, 3534).

c) Tính tiền thưởng phải trả cho công nhân viên và người lao động khác trong doanh nghiệp, ghi:

Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531).

    Có TK 334 - Phải trả người lao động.

d) Dùng quỹ phúc lợi để chi trợ cấp khó khăn, chi cho công nhân viên và người lao động nghỉ mát, chi cho phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, ghi:

Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3532)

    Có các TK 111, 112.

đ) Khi bán sản phẩm, hàng hóa trang trải bằng quỹ khen thưởng phúc lợi, kế toán phản ánh doanh thu không bao gồm thuế GTGT phải nộp, ghi:

Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (tổng giá thanh toán)

    Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

    Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).

e) Khi cấp trên cấp quỹ khen thưởng, phúc lợi cho đơn vị cấp dưới, ghi:

Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532, 3534)

    Có các TK 111, 112.

g) Số quỹ khen thưởng, phúc lợi do đơn vị cấp trên cấp xuống, ghi:

Nợ các TK 111, 112,...

    Có TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532).

h) Dùng quỹ phúc lợi ủng hộ các vùng thiên tai, hỏa hoạn, chi từ thiện… ghi:

Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3532)

    Có các TK 111, 112.

i) Khi đầu tư, mua sắm TSCĐ hoàn thành bằng quỹ phúc lợi đưa vào sử dụng cho mục đích văn hoá, phúc lợi của doanh nghiệp, ghi:

Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá)

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu được khấu trừ)

    Có các TK 111, 112, 241, 331,…

Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì nguyên giá TSCĐ bao gồm cả thuế GTGT

Đồng thời, ghi:

Nợ TK 3532 - Quỹ phúc lợi

    Có TK 3533 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ.

k) Định kỳ, tính hao mòn TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng quỹ phúc lợi, sử dụng cho nhu cầu văn hóa, phúc lợi của doanh nghiệp, ghi:

Nợ TK 3533 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ

    Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ.

l) Khi nhượng bán, thanh lý TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng quỹ phúc lợi, dùng vào hoạt động văn hoá, phúc lợi:

- Ghi giảm TSCĐ nhượng bán, thanh lý:

Nợ TK 3533 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại)

Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)

    Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).

- Phản ánh các khoản thu, chi nhượng bán, thanh lý TSCĐ:

+ Đối với các khoản chi, ghi:

Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3532)

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu được khấu trừ)

    Có các TK 111, 112, 334,…

+ Đối với các khoản thu, ghi:

Nợ các TK 111, 112

    Có TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3532)

    Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có).

m) Kế toán chuyển giao tài sản là các công trình phúc lợi: Trường hợp chuyển giao nhà ở cán bộ, công nhân viên đầu tư bằng nguồn Quỹ phúc lợi của doanh nghiệp cho cơ quan nhà đất địa phương để quản lý, ghi:

Nợ TK 3533 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại)

Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)

    Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).

n) Trường hợp chủ sở hữu doanh nghiệp quyết định thưởng cho Hội đồng quản trị, Ban giám đốc từ Quỹ thưởng ban quản lý, điều hành công ty, ghi:

Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3354)

    Có các TK 111, 112...

o) Trường hợp công ty cổ phần được phát hành cổ phiếu thưởng từ quỹ khen thưởng để tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:

Nợ TK 3531 - Quỹ khen thưởng

Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (giá bán thấp hơn mệnh giá)

    Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu

    Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (giá bán cao hơn mệnh giá).

p) Kế toán xử lý số dư quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi trước khi xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

- Khi chuyển số dư quỹ khen thưởng và phúc lợi chia cho người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hoá, ghi:

Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532)

    Có TK 334 - Phải trả người lao động.

- Khi chi tiền từ Quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động, ghi:

Nợ TK 334 - Phải trả người lao động

    Có các TK 111, 112.

- Trường hợp doanh nghiệp đã chi quá Quỹ khen thưởng, phúc lợi (tài khoản 353 có số dư Nợ) thì xử lý như sau:

+ Đối với khoản đã chi trực tiếp cho người lao động có tên trong danh sách thường xuyên tại thời điểm có quyết định cổ phần hoá phải thu hồi trước khi bán cổ phần ưu đãi, ghi:

Nợ TK 138 - Phải thu khác

    Có TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532).

+ Đối với các khoản bị xuất toán, chi biếu tặng, chi cho người lao động đã nghỉ mất việc, thôi việc trước thời điểm quyết định số cổ phần hoá doanh nghiệp và được cơ quan quyết định giá trị doanh nghiệp xử lý như khoản phải thu không có khả năng thu hồi, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 334 ( phần tổ chức, cá nhân phải bồi thường)

Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp

    Có TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi.

Tài khoản 356 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

Về đầu trang

1. Nguyên tắc kế toán

a) Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có, tình hình tăng giảm Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (PTKH&CN) của doanh nghiệp. Quỹ PTKH&CN của doanh nghiệp chỉ được sử dụng cho đầu tư khoa học, công nghệ tại Việt Nam.

b) Quỹ PTKH&CN được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ. Việc trích lập và sử dụng Quỹ PTKH&CN của doanh nghiệp phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

c) Trường hợp doanh nghiệp sử dụng Quỹ PTKH&CN để tài trợ cho việc nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, số tiền thu được khi bán sản phẩm sản xuất thử được bù trừ với chi phí sản xuất thử theo nguyên tắc:

- Phần chênh lệch giữa số tiền thu từ bán sản phẩm sản xuất thử cao hơn chi phí sản xuất thử được ghi tăng Quỹ PTKH&CN;

- Phần chênh lệch giữa số tiền thu từ bán sản phẩm sản xuất thử thấp hơn chi phí sản xuất thử được ghi giảm Quỹ PTKH&CN.

d) Định kỳ, doanh nghiệp lập Báo cáo về mức trích, sử dụng, quyết toán Quỹ PTKH&CN và nộp cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 356 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

Bên Nợ:

- Các khoản chi tiêu từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ;

- Giảm Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành tài sản cố định (TSCĐ) khi tính hao mòn TSCĐ; giá trị còn lại của TSCĐ khi nhượng bán, thanh lý; chi phí thanh lý, nhượng bán TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

- Giảm Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ khi TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ chuyển sang phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh.

Bên Có:

- Trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ vào chi phí quản lý doanh nghiệp.

- Số thu từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ.

Số dư bên Có: Số quỹ phát triển khoa học và công nghệ hiện còn của doanh nghiệp.

Tài khoản 356 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ có 2 tài khoản cấp 2:

- Tài khoản 3561 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ: Phản ánh số hiện có và tình hình trích lập, chi tiêu quỹ phát triển khoa học và công nghệ;

- Tài khoản 3562 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ: Phản ánh số hiện có, tình hình tăng, giảm quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ (quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ).

3. Phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu

a) Trong năm khi trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, ghi:

Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp

    Có TK 356 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

b) Khi chi tiêu Quỹ PTKH&CN phục vụ cho mục đích nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, ghi:

Nợ TK 356 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

    Có các TK 111, 112, 331...

c) Khi sử dụng Quỹ PTKH&CN để trang trải cho hoạt động sản xuất thử sản phẩm:

- Kế toán tập hợp chi phí sản xuất thử, ghi:

Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ

    Có các TK 111, 112, 152, 331...

- Khi bán sản phẩm sản xuất thử, ghi:

Nợ TK 111, 112, 131

    Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

    Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (nếu có)

- Chênh lệch giữa chi phí sản xuất thử và số thu từ bán sản phẩm sản xuất thử được điều chỉnh tăng, giảm Quỹ, ghi:

+ Trường hợp số thu từ việc bán sản phẩm sản xuất thử cao hơn chi phí sản xuất thử, kế toán ghi tăng Quỹ PTKH&CN, ghi:

Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

    Có TK 356 - Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ

+ Trường hợp số thu từ việc bán sản phẩm sản xuất thử nhỏ hơn chi phí sản xuất thử, kế toán ghi ngược lại bút toán trên.

d) Khi đầu tư, mua sắm TSCĐ hoàn thành bằng quỹ phát triển khoa học và công nghệ sử dụng cho mục đích nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ:

- Khi đầu tư, mua sắm TSCĐ, ghi:

Nợ các TK 211, 213 (nguyên giá)

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

    Có các TK 111, 112, 331...

Đồng thời, ghi:

Nợ TK 3561 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

    Có TK 3562 - Quỹ PTKH&CN đã hình thành TSCĐ.

- Cuối kỳ kế toán, tính hao mòn TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ sử dụng cho mục đích nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, ghi:

Nợ TK 3562 - Quỹ PTKH&CN đã hình thành TSCĐ

    Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ.

- Khi thanh lý, nhượng bán TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng quỹ phát triển khoa học và công nghệ:

+ Ghi giảm TSCĐ thanh lý, nhượng bán:

Nợ TK 3562 - Quỹ PTKH&CN đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại)

Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)

    Có các TK 211, 213.

+ Ghi nhận số tiền thu từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ:

Nợ các TK 111, 112, 131

    Có TK 3561 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

    Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).

+ Ghi nhận chi phí phát sinh liên quan trực tiếp đến việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ:

Nợ TK 3561 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

    Có các TK 111, 112, 331.

- Khi kết thúc quá trình nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, chuyển TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ sang phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh, kế toán ghi:

Nợ TK 3562 - Quỹ PTKH&CN đã hình thành TSCĐ (phần giá trị còn lại của TSCĐ hình thành từ quỹ chưa khấu hao hết)

    Có TK 711 - Thu nhập khác.

Kể từ thời điểm TSCĐ chuyển sang phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, hao mòn của TSCĐ được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo quy định của chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành.

Tài khoản 357 - Quỹ bình ổn giá

Về đầu trang

1. Nguyên tắc kế toán

a) Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình biến động và giá trị Quỹ bình ổn giá tại thời điểm báo cáo của doanh nghiệp được phép trích lập Quỹ bình ổn giá tính vào chi phí sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuỳ theo từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, doanh nghiệp được chủ động bổ sung thêm vào tên của Quỹ này phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của mình, ví dụ như Quỹ bình ổn giá xăng, dầu.

b) Doanh nghiệp phải trích lập, sử dụng và quyết toán Quỹ bình ổn giá theo đúng quy định của pháp luật. Doanh nghiệp chỉ sử dụng tài khoản này nếu pháp luật yêu cầu trích lập Quỹ bình ổn giá vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.

c) Quỹ bình ổn giá khi trích lập được tính vào giá vốn hàng bán, khi sử dụng Quỹ cho mục đích bình ổn giá, doanh nghiệp được ghi giảm giá vốn hàng bán.

2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 357 – Quỹ Bình ổn giá

Bên Nợ: Số quỹ bình ổn giá đã sử dụng.

Bên Có: Số trích lập quỹ bình ổn giá vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ.

Số dư bên Có: Số quỹ bình ổn giá hiện còn của doanh nghiệp cuối kỳ.

3. Phương pháp kế toán Quỹ bình ổn giá

- Khi trích lập Quỹ bình ổn giá, ghi:

Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán

    Có TK 357 - Quỹ bình ổn giá.

- Khi sử dụng Quỹ bình ổn giá, ghi:

Nợ TK 357 - Quỹ bình ổn giá

Về đầu trang
    Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »