Hàng hóa không chịu thuế GTGT và hàng hóa chịu thuế 0% có gì khác nhau?

Hàng hóa không chịu thuế GTGT và hàng hóa chịu thuế 0% có gì khác nhau?
Hàng hóa không chịu thuế và hàng chịu thuế suất thuế GTGT 0% người tiêu dùng đều không phải nộp thuế nhưng tác dụng, cũng như ý nghĩa của chúng hoàn toàn khác nhau.

Chúng ta biết rằng thuế giá trị gia tăng (GTGT) là thuế gián thu, điều tiết đánh vào người tiêu dùng (người nào tiêu dùng thì người đó chịu thuế) thông qua hàng hóa, dịch vụ họ sử dụng. Thuế suất thuế GTGT có 3 mức thuế suất phổ biến là 5%, 10% và 0%. Riêng thuế suất thuế GTGT 0%, chính sách thuế hiện nay chỉ dành cho hàng hóa xuất khẩu, xuất vào các khu phi thuế quan.

Đối lập với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế, tức người tiêu dùng không phải trả tiền thuế GTGT khi sử dụng hàng hóa dịch vụ đó. Đối tượng không chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào những ngành/nghề mới, tính an sinh xã hội cao ...

Hàng hóa, dịch vụ thuế suất GTGT 0% và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế thì người tiêu dùng không phải trả tiền thuế GTGT. Vậy chúng có những điểm gì giống nhau, khác nhau? Chính sách thuế hay tác dụng của nó đến xã hội như thế nào?

Điểm khác nhau giữa hàng hóa không chịu thuế GTGT và hàng hóa có thuế suất 0% dễ nhận biết nhất có lẻ là thông tin ghi trên hóa đơn: Hàng hóa có thuế suất 0% là loại hóa đơn GTGT, dòng thuế suất ghi 0%, trong khi hàng hóa không chịu thuế được ghi trên hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn GTGT nhưng dòng thuế suất bị gạch chéo ...

Sự khác nhau giữa hàng hóa, dịch vụ 0% và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT:
Hàng hóa, dịch vụ thuế GTGT 0% Hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế
Đối tượng chịu thuế GTGT, người bán kê khai thuế theo quy định của Luật thuế. Không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, người bán không phải kê khai thuế.
Doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và hoàn thuế (nếu đủ điều kiện hoàn thuế Luật định). Doanh nghiệp không được hoàn thuế, không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (đưa thẳng chi phí).
Khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài. Khuyến khích doanh nghiệp phát triển các lĩnh vực thiết yếu cho người dân trong nước.
Sử dụng hóa đơn GTGT ghi đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định (dòng thuế suất ghi 0%). Hóa đơn bán hàng hoặc GTGT dòng thuế suất, số thuế GTGT gạch chéo.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu (quy định tại Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC). Hàng hóa trong nước chưa sản xuất được, phục vụ an ninh quốc phòng, hàng thiết yếu, lợi ích cộng đồng, như sản phẩm trồng trọt, giống vật nuôi, dịch vụ tài chính, tài chính, dạy học, dạy nghề ... (quy định tại Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC).
Theo như Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC (trích dẫn trên) thì hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế khi xuất khẩu sẽ thuộc diện chịu thuế GTGT 0%. Thuế suất thuế GTGT 0% chỉ dành cho hàng hóa, dịch vụ có yếu tố "xuất khẩu"; hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế chỉ dành cho giao dịch ở thị trường trong nước, có yếu tố "nội địa".

Hơn nữa, việc xuất khẩu hiện nay, theo quy định doanh nghiệp không còn phải xuất hóa đơn GTGT nữa mà dùng hóa đơn thương mại (Commercial Invoice) để giao dịch và kê khai thuế. Do vậy, trên thực tế, hóa đơn GTGT 0% chỉ tồn tại khi hàng hóa, dịch vụ đó được xuất vào các khu chế xuất, khu phi thuế quan mà thôi.

Vì vậy, nếu mua hàng hóa, dịch vụ trong nước mà người mua nhận được hóa đơn GTGT 0%, chắc chắn đã có sự nhầm lẫn nào đó!.

Chính sách thuế của hàng hóa chịu thuế GTGT 0% và hàng hóa không chịu thuế

Hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 0% hay hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT đều chính sách khuyến khích tiêu dùng của Nhà nước do người mua (người tiêu dùng) không phải trả bất cứ một khoản thuế GTGT nào.

Như đã đề cập, hàng hóa thuế suất 0% nhằm khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa ra nước ngoài (giá bán cạnh tranh hơn, được khấu trừ, hoàn thuế); trong khi đó, hàng không chịu thuế là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào những ngành nghề mới, chủ lực, tính an sinh xã hội cao (hỗ trợ, khuyến khích tiêu dùng trong nước).

Như vậy, việc áp dụng chính sách thuế GTGT 0% khi Nhà nước muốn khuyến khích tiêu dùng ra nước ngoài đối với hàng hóa sản xuất trong nước; áp dụng chính sách thuế đối với hàng không chịu thuế khi Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích tiêu dùng trong nước đối với hàng hóa, lĩnh vực Nhà nước muốn phát triển.
Ketoan.biz

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »