Quốc hội đã thông qua Bộ luật lao động (sửa đổi)

Bộ luật lao động 2019 mới nhất áp dụng từ năm 2020.
Theo thông tin từ Quốc hội, hơn 90% đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã đồng ý thông qua Bộ luật lao động (sửa đổi).

Một số nội dung nổi bật được Quốc hội thông qua có thể kể đến, như:

Tăng tuổi nghỉ hưu

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Cụ thể, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nhà nước không can thiệp tiền lương doanh nghiệp

Theo đó, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Tiền lương được thực hiện trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa các bên; doanh nghiệp chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.

Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc cũng do người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận.

Quy định về làm thêm giờ

Quốc hội giữ nguyên khung giờ làm thêm tối đa như quy định hiện hành, nhưng cho phép người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tăng số giờ làm thêm theo mùa (từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng).

Đối với làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật này và người lao động không được từ chối trong các trường hợp sau đây: Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật; Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Tăng thêm một ngày nghỉ lễ

Quốc hội cũng thông qua việc bổ sung một ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh 2/9. Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tăng thêm một ngày nghỉ là dịp để người lao động có thêm thời gian tham gia các hoạt động kỷ niệm, chào mừng Quốc khánh 2-9.

Đồng thời đáp ứng được mong muốn của người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, sum họp gia đình và giúp trẻ em, học sinh, sinh viên chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới.
...

Bộ luật lao động mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực.
Ketoan.biz tổng hợp

Bài viết liên quan

Bài mới hơn
« Prev Post
Bài cũ hơn
Next Post »