Đó là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm 2022 được tổ chức chiều ngày 30/06/2022.
Hóa đơn điện tử (HĐĐT) góp phần thúc đẩy trong chuyển đổi số
Theo Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn, ngày 19/10/20202, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Điểm mới quan trọng nhất của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP là quy định về việc quản lý, sử dụng HĐĐT kể từ ngày 01/07/2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện HĐĐT. Đây là Nghị định có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.
Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xác định triển khai hoá đơn điện tử là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhằm thúc đẩy trong chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan nhà nước khác. Việc triển khai hoá đơn điện tử sẽ góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp.
Để đáp ứng đến ngày 1/7/2022 toàn bộ người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP chuyển sang sử dụng HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã phê duyệt việc tổ chức thực hiện triển khai áp dụng HĐĐT.
Hoàn thành triển khai HĐĐT trên toàn quốc
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, việc triển khai HĐĐT được ngành Thuế coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, trọng tâm của ngành Thuế trong năm 2021 và năm 2022, để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thận trọng, từng bước vững chắc, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế thực hiện triển khai hóa đơn tử giai đoạn 1 tại 06 tỉnh/thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định từ tháng 11/2021. Trên cơ sở thành công của việc triển khai HĐĐT giai đoạn 1, ngày 21/4/2022, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục tổ chức Lễ công bố triển khai hệ thống HĐĐT trên toàn quốc. Kể từ thời điểm bắt đầu công bố triển khai, Tổng cục Thuế, Cục Thuế đã tổ chức thực hiện các nội dung triển khai việc sử dụng ứng dụng HĐĐT tại các cơ quan Thuế để thực hiện quy trình Quản lý hoá đơn điện tử.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, tinh thần quyết tâm, triển khai quyết liệt của toàn hệ thống thuế từ trung ương đến các địa phương, đến ngày 26/6/2022, cả nước đã 99,7% DN đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng HĐĐT và 64.811 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT theo quy định với số lượng HĐĐT đã được phát hành là khoảng 511 triệu hóa đơn.
Đồng thời, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố báo cáo cấp có thẩm quyền triển khai tổ chức các chương trình “Hóa đơn may mắn” trên cơ sở dữ liệu HĐĐT.
Bài học kinh nghiệm trong triển khai HĐĐT
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, việc triển khai HĐĐT trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu 01/7/2022 toàn bộ người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP chuyển sang sử dụng HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, sở/ban/ngành trên toàn quốc và của cả xã hội. Với sự chỉ đạo của Ủy Ban nhân dân, Tỉnh ủy, Thành ủy và sự phối hợp của các Sở, ban, ngành trong công triển khai HĐĐT đã góp phần triển khai công HĐĐT giai đoạn 1 và sẽ hoàn thành giai đoạn 2 trên phạm vi toàn quốc theo đúng kế hoạch và mục tiêu đề ra.
Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2022/NĐ-CP đối tượng sử dụng HĐĐT rất đa dạng với nhiều loại hình kinh tế và cách thức quản lý khác nhau. Do đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế rà soát, phân loại, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai phù hợp để đảm bảo kế hoạch và không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của người nộp thuế.
Việc triển khai HĐĐT toàn quốc với các địa bàn có tình hình kinh tế xã hội khác nhau, do đó ngành Thuế đã chủ động phối hợp với các Tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT để bố trí, phân bổ nguồn lực trong triển khai, tập huấn, tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế theo kế hoạch Tổng cục Thuế đã bàn hành, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa,....
Việc hỗ trợ người nộp thuế kịp thời tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng khi triển khai áp dụng hoá đơn điện tử cũng là vấn đề mà ngành Thuế đã xác định và triển khai ngay từ khi bắt đầu với việc thành lập các Trung tâm điều hành tại Tổng cục Thuế, 63 Cục Thuế và thành lập các Tổ xử lý vấn đề tại từng Chi cục Thuế nhằm nhanh chóng nắm bắt các vướng mắc, khó khăn của người nộp thuế trong triển khai đảm bảo việc triển khai không gây ảnh hưởng, cũng như sự khó khăn cho người nộp thuế.
Kế hoạch triển khai trong giai đoạn tiếp theo
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, trong thời gian tới, các cơ quan thuế tiếp tục tổ chức tiếp nhận và xử lý tờ khai đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử của doanh nghiệp mới; Tiếp nhận và cấp mã cơ quan thuế cho HĐĐT của doanh nghiệp thuộc trường hợp sử dụng HĐĐT có mã; Tiếp nhận dữ liệu hoá đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế,... đồng thời đẩy mạnh các hình thức khuyến khích sử dụng HĐĐT của người nộp thuế thông qua các hoạt động như quay số hóa đơn may mắn,...
“Việc triển khai hoá đơn điện tử đã và đang góp phần thúc đẩy trong chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan nhà nước khác. Việc triển khai hoá đơn điện tử sẽ góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp” - Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh.
Theo Tổng cục thuế
Biểu tượngBiểu tượng