Theo điểm b khoản 19 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định: “Sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải” thuộc trường hợp được miễn thuế xuất khẩu. Như vậy, kể từ ngày Luật số 107/2016/QH13 có hiệu lực, tức từ 01/09/2016, sản phẩm tái chế khi xuất khẩu ra nước ngoài được miễn thuế xuất khẩu.
Tuy nhiên, sau ngày 01/09/2016 và đến nay, sản phẩm doanh nghiệp sản xuất từ hoạt động tái chế khi xuất khẩu vẫn rất khó khăn trong việc được cơ quan hải quan chấp nhận miễn thuế xuất khẩu, vậy vướng mắc ở đâu?
Quy định các văn bản Luật còn chậm, chưa thống nhất
Theo Khoản 3 Điều 25 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ thì “Căn cứ để xác định sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.
Cũng theo Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, tại Khoản 6 Điều 40 quy định "Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Danh mục hoặc tiêu chí để xác định sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải".
Như vậy, từ ngày 01/09/2016, sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải khi xuất khẩu thuộc trường hợp được miễn thuế xuất khẩu. Xác định sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải thực hiện theo Danh mục hoặc tiêu chí do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
Tuy nhiên, đén nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa ban hành Danh mục hoặc tiêu chí để xác định sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế. Do đó, cơ quan Hải quan không có đủ căn cứ để xem xét xử lý miễn thuế xuất khẩu theo quy định đối với sản phẩm thu được từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải.
Thực tế việc miễn thuế xuất khẩu sản phẩm tái chế từ 01/09/2016 đến nay như thế nào?
Theo Luật Bảo vệ môi trường thì các sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được chia làm 3 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 (từ ngày 01/09/2016 đến trước ngày 01/07/2019); giai đoạn 2 (từ ngày 01/07/2019 đến trước ngày 10/01/2022); giai đoạn 3 (từ ngày 10/01/2022 đến nay).
Cụ thể, giai đoạn 1 (từ ngày 1/9/2016 đến trước ngày 1/7/2019), theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải khi xuất khẩu thuộc trường hợp được miễn thuế xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Bộ Tài nguyên và Môi trường không quy định Danh mục hoặc Tiêu chí sản phẩm xuất khẩu theo thẩm quyền quy định tại Điều 40 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP nên cơ quan hải quan không có căn cứ để xem xét xử lý miễn thuế xuất khẩu theo quy định đối với sản phẩm thu được từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải.
Trong giai đoạn 2 (từ ngày 01/07/2019 đến trước ngày 10/01/2022), theo quy định tại khoản 23 Điều 2 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/05/2019 sửa đổi khoản 3 Điều 44 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải rắn của cơ sở xử lý chất thải (sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại) quy định tại khoản 12 Nghị định này.
Trong giai đoạn này, cơ sở để xác định sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải rắn của cơ sở xử lý chất thải là các sản phẩm đã được nêu trong dự án đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ sở xử lý chất thải và cơ quan hải quan có căn cứ để xem xét xử lý miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm thu được từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải theo quy định.
Giai đoạn 3 (từ ngày 10/1/2022 đến nay): Khoản 1 Điều 131 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định về đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (thay thế Nghị định 40/2019/NĐ-CP) không quy định Danh mục hoặc tiêu chí để xác định sản phẩm xuất khẩu từ hoạt động tái chế; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng không quy định việc xác định sản phẩm tái chế là các sản phẩm đã nêu trong dự án đầu tư, Giấy chứng nhận đăn ký đầu tư như đã quy định tại Nghị định 40/2019/NĐ-CP.
Do đó, cơ sở để xác định miễn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 6 Điều 40 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.
Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa ban hành Danh mục hoặc tiêu chí để xác định sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải nên từ ngày 10/01/2022, cơ quan hải quan chưa có căn cứ để xem xét xử lý miễn thuế xuất khẩu theo quy định đối với sản phẩm thu được từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải.
Giải pháp xử lý vướng mắc khâu miễn thuế xuất khẩu sản phẩrm tái chế trong thời gian tới
Để xử lý vướng mắc, thực hiện đúng đối tượng được miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải, ngày 19/08/2022, Bộ Tài chính đã có Công văn số 8240/BTC-TCHQ gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Bộ này sớm ban hành Danh mục hoặc tiêu chí để xác định sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải.
Tổng cục Hải quan mới đây đã có công văn 3652/TCHQ-TXNK trả lời doanh nghiệp về vấn đề này. Theo đó, Tổng cục Hải quan nghị các doanh nghiệp liên hệ và làm việc trực tiếp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xử lý vướng mắc nêu trên, làm cơ sở cho cơ quan hải quan thực hiện miễn thuế xuất khẩu theo quy định đối với sản phẩm thu được từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải.
Do đó, giải pháp tình thế hiện nay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải muốn được miễn thuế xuất khẩu thì phải có ý kiến hay giấy xác nhận liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ketoan.biz
Biểu tượngBiểu tượng