Chia sẻ-Trao đổi

Thuế

Kế toán

Bài viết mới

Một số điểm mới của Luật BHYT năm 2025

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quốc hội thông qua chiều 27/11/2024 (với 446/455 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành), hiệu lực từ ngày 01/07/2025.

Luật BHYT mới nhất năm 2025


 Luật này có một số điểm mới nổi bật như sau:

Bệnh hiểm nghèo được chuyển thẳng lên cấp chuyên sâu

Theo đó, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức bảo hiểm trong các tình huống sau: Khám chữa bệnh tại cơ sở đăng ký ban đầu trong cả nước; khám chữa bệnh nội trú tại cơ sở có BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc; khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở có BHYT cấp cơ bản, cấp chuyên sâu trước ngày 1/1/2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến huyện.

Đặc biệt, một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu. Luật mở rộng phạm vi quyền lợi cho người có thẻ BHYT, điều trị bệnh lác và tật khúc xạ mắt cho người dưới 18 tuổi; mở rộng phạm vi hưởng BHYT với hình thức khám, chữa bệnh từ xa, y học gia đình, khám chữa bệnh tại nhà.

Bổ sung thêm một số đối tượng được tham gia BHYT

Ngoài việc giữ nguyên các đối tượng tham gia BHYT được quy định tại luật hiện hành, Luật mới bổ sung nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản để động viên, khích lệ và có chính sách thỏa đáng với đội ngũ chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng sâu, xa. Điều chỉnh trách nhiệm và phương thức, thời hạn đóng BHYT, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng.

Được hưởng 100% quyền lợi khi khám chữa bệnh tuyến ban đầu

Luật sửa đổi quy định chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo cấp chuyên môn của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Theo đó, một số trường hợp đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở bất kỳ đâu nhưng đến trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện cũng hưởng 100% quyền lợi.

Điều chuyển thuốc BHYT giữa các bệnh viện

Luật BHYT sửa đổi bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám chữa bệnh và thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế. Luật cũng quy định cơ chế để quỹ BHYT thanh toán cho các trường hợp này.

Cấp BHYT điện tử từ ngày 01/01/2025

Luật bổ sung quy định về cấp BHYT điện tử, quy định kiểm toán nhà nước kiểm toán Báo cáo quyết toán chi tổ chức và hoạt động BHYT của cơ quan BHXH hằng năm để đồng bộ với Luật BHXH.

...

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.

(Ketoan.biz tổng hợp)

Nghị định 64/2024/NĐ-CP: gia hạn nộp thuế trong năm 2024

Ngày 17/06/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2024/NĐ-CP hướng dẫn gia hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2024.

điểm mới Nghị định 64 năm 2024


Theo đó, Nghị định 64/2024/NĐ-CP có một số điểm đáng chú ý sau:

I. Đối tượng được gia hạn bao gồm:

1. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế sau:

a) Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;

b) Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế;

c) Xây dựng;

d) Hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc;

đ) Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế TNDN của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên thu theo hiệp định, hợp đồng);

e) Sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị;

g) Thoát nước và xử lý nước thải.

2. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế sau:

a) Vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản;

b) Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch;

c) Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim;

d) Hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin;

đ) Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng.

Lưu ý: Danh mục ngành kinh tế tại mục 1, 2 nêu trên được xác định theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/07/2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

3. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.

4. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngành kinh tế, lĩnh vực của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy định tại mục 1, 2, 3 nêu trên là ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát sinh doanh thu trong năm 2023 hoặc 2024.

II. Các loại thuế, tiền thuê đất được gia hạn:

1. Đối với tổ chức, doanh nghiệp thuộc trường hợp được gia hạn:

1.1. Gia hạn nộp tiền thuế GTGT (trừ thuế GTGT khâu nhập khẩu):

Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp (bao gồm cả số thuế phân bổ cho các địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính, số thuế nộp theo từng lần phát sinh) của kỳ tính thuế từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2024 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo tháng) và kỳ tính thuế quý II, quý III năm 2024 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo quý).

Thời gian gia hạn là 05 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 5, tháng 6 năm 2024 và quý II năm 2024, thời gian gia hạn là 04 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7 năm 2024, thời gian gia hạn là 03 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8 năm 2024, thời gian gia hạn là 02 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 9 năm 2024 và quý III năm 2024. Thời gian gia hạn này được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Các doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được gia hạn thực hiện kê khai, nộp Tờ khai thuế GTGT tháng, quý theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng chưa phải nộp số thuế GTGT phải nộp phát sinh trên Tờ khai thuế GTGT đã kê khai. Thời hạn nộp thuế GTGT của tháng, quý được gia hạn như sau:

- Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 5 năm 2024 chậm nhất là ngày 20/11/2024.

- Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 6 năm 2024 chậm nhất là ngày 20/12/2024.

- Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 7 năm 2024 chậm nhất là ngày 20/12/2024.

- Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 8 năm 2024 chậm nhất là ngày 20/12/2024.

- Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 9 năm 2024 chậm nhất là ngày 20/12/2024.

 - Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế quý II năm 2024 chậm nhất là ngày 31/12/2024.

- Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế quý III năm 2024 chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Lưu ý:

- Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế GTGT riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT. Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp, tổ chức nêu tại mục 1, 2, 3 phần I nêu trên không có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT.

1.2. Gia hạn nộp tiền thuế TNDN:

Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý II kỳ tính thuế TNDN năm 2024 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được quy định tại phần I nêu trên. Thời gian gia hạn là 03 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế TNDN riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế TNDN. Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp, tổ chức nêu tại mục 1, 2, 3 phần I nêu trên không có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế TNDN.

2. Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng được gia hạn:

Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNCN đối với số tiền thuế phải nộp phát sinh năm 2024 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế, lĩnh vực nêu tại mục 1, 2, 3 phần I nêu trên.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn chậm nhất là ngày 30/12/2024.

3. Đối với tiền thuê đất:

Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2024 (số phải nộp kỳ thứ hai năm 2024) của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng quy định tại phần I nêu trên đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Thời gian gia hạn là 02 tháng kể từ ngày 31/10/2024.

Quy định này áp dụng cho cả trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhiều Quyết định, Hợp đồng thuê đất trực tiếp của nhà nước và có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh khác nhau trong đó có ngành kinh tế, lĩnh vực quy định tại mục 1, 2, 3 phần I nêu trên.

4. Lưu ý một số trường hợp:

- Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành kinh tế khác nhau trong đó có ngành kinh tế, lĩnh vực quy định tại mục 1, 2, 3 phần I nêu trên thì: doanh nghiệp, tổ chức được gia hạn toàn bộ số thuế GTGT, số thuế TNDN phải nộp; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn toàn bộ thuế GTGT, thuế TNCN phải nộp theo hướng dẫn tại Nghị định số 64/2024/NĐ-CP.

III. Trình tự, thủ tục gia hạn:

1. Người nộp thuế trực tiếp kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (sau đây gọi là Giấy đề nghị gia hạn) lần đầu hoặc thay thế khi phát hiện có sai sót (bằng phương thức điện tử; gửi bản giấy trực tiếp đến cơ quan thuế hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính) theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 64/2024/NĐ-CP cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ số thuế, tiền thuê đất phát sinh trong các kỳ tính thuế được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc theo quý) theo quy định pháp luật về quản lý thuế.

Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tháng (hoặc theo quý) thì thời hạn nộp chậm nhất là ngày 30/9/2024, cơ quan quản lý thuế vẫn thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất của các kỳ phát sinh được gia hạn trước thời điểm nộp Giấy đề nghị gia hạn. Trường hợp người nộp thuế có các khoản được gia hạn thuộc nhiều địa bàn cơ quan thuế quản lý khác nhau thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm truyền thông tin gửi Giấy đề nghị gia hạn cho cơ quan thuế quản lý có liên quan.

2. Người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn đảm bảo đúng đối tượng được gia hạn theo Nghị định số 64/2024/NĐ-CP.

 Lưu ý: Nếu người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn cho cơ quan thuế sau ngày 30/9/2024 thì không được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 64/2024/NĐ-CP.

Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn dẫn đến làm tăng số thuế phải nộp và gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số phải nộp tăng thêm do khai bổ sung. Nếu người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn sau khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn thì không được gia hạn số phải nộp do khai bổ sung.

3. Cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Trường hợp trong thời gian gia hạn, cơ quan thuế có cơ sở xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng gia hạn thì cơ quan thuế có văn bản thông báo cho người nộp thuế về việc không gia hạn và người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế, tiền thuê đất và tiền chậm nộp trong khoảng thời gian đã thực hiện gia hạn vào ngân sách nhà nước. Trường hợp sau khi hết thời gian gia hạn, qua thanh tra, kiểm tra cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 64/2024/NĐ-CP thì người nộp thuế phải nộp số tiền thuế còn thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước.

4. Không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn trong khoảng thời gian được gia hạn thời hạn nộp (bao gồm cả trường hợp người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn cho cơ quan thuế sau khi đã nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại mục 1 phần III nêu trên và trường hợp cơ quan có thẩm quyền qua kiểm tra, thanh tra xác định người nộp thuế được gia hạn có số thuế phải nộp tăng thêm của các kỳ tính thuế được gia hạn). Trường hợp cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp (nếu có) đối với các hồ sơ thuế thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định tại Nghị định số 64/2024/NĐ-CP thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh, không tính tiền chậm nộp.

5. Chủ đầu tư các công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các khoản thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước cho các công trình xây dựng cơ bản của các dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện chịu thuế GTGT khi làm thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước phải gửi kèm thông báo cơ quan thuế đã tiếp nhận Giấy đề nghị gia hạn hoặc Giấy đề nghị gia hạn có xác nhận đã gửi cơ quan thuế của nhà thầu thực hiện công trình. Kho bạc Nhà nước căn cứ trên hồ sơ do chủ đầu tư gửi để chưa thực hiện khấu trừ thuế GTGT trong thời gian gia hạn. Khi hết thời gian gia hạn, nhà thầu phải nộp đủ số thuế được gia hạn theo quy định.

Nghị định 64/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký 17/06/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

File pdf gốc Nghị định 64/2024/NĐ-CP:



Ketoan.biz

Chính sách thuế GTGT hàng nông sản nhập khẩu

Xuất hóa đơn khi bán hang nông sản nhập khẩu

Theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông sản là sản phẩm của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp (nghề làm muối). Cụ thể:

- Nông sản ngành nông nghiệp gồm: lúa gạo, ngô, khoai, sắn, cà phê, hồ tiêu, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm,...

- Nông sản ngành lâm nghiệp gồm: gỗ khai thác, củi, tre, nhựa thông, trám, đước, ...

- Nông sản ngành thủy sản gồm: tôm, cá, cá biển, ruốc, hàu, trai, tép, ...

- Nông sản ngành diêm nghiệp: sản xuất muối.

Nông sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, nguyên liệu xuất khẩu,… góp phần tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân. Do vậy, thời gian qua, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

Theo quy định của chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT), sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Ngoài ra, doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hoá đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.

Xuất hóa đơn khi bán hang nông sản nhập khẩu

Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5%.

Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.

Cũng theo quy định của pháp luật thuế, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá) và phải ghi đầy đủ nội dung, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế.

Do vậy, doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng nông sản nêu trên cần lưu ý khi bán hàng hóa phải lập hóa đơn để giao người mua và thực hiện khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật./. 

(Theo Tổng cục thuế)

Khoản chi nghỉ mát cho người lao động tính thuế TNCN như thế nào?

tính thuế khoản chi nghỉ mát

Khoản chi nghỉ mát mà doanh nghiệp dành cho người lao động hàng năm khá phổ biến khi người lao động đáp ứng điều kiện thi đua khen thưởng của doanh nghiệp.

Vậy khoản chi nghỉ mát của người lao động có bị tính, đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN)?

Theo điểm a, d, khoản 2, Điều 2, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính có quy định như sau:

2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

đ.3.2) Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí thẩm mỹ... nếu nội dung chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng. Trường hợp nội dung chi trả phí dịch vụ không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

- Mặt khác, tại điểm 2.30, khoản 2, Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi bổ sung tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) quy định:

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.30 Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau:

- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp".

Như vậy,

- Khoản chi nghỉ mát do doanh nghiệp chi cho người lao động mà khoản chi ghi rõ tên cá nhân được hưởng thì khoản tiền này tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

- Khoản chi nghỉ mát do doanh nghiệp chi chung cho tập thể người lao động không ghi rõ tên cá nhân được hưởng thì khoản thu nhập này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.


Xem thêm:

>> Chi phí du lịch, nghỉ mát cho người lao động có được khấu trừ thuế?

>> Khoản chi mang tính phúc lợi cho người lao động bị khống chế 1 tháng lương

Hóa đơn điện tử bị cưỡng chế, làm sao bán hàng?

Theo quy định của Luật thuế hiện hành, nếu không may doanh nghiệp bị nợ tiền thuế từ 90 ngày trở lên thì cơ quan thuế sẽ ra quyết định cưỡng chế bằng các biện pháp hành chính về quản lý thuế.

Cụ thể, doanh nghiệp nợ thuế từ 91 ngày trở lên, cơ quan thuế sẽ cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với toàn bộ doanh nghiệp có tiền nợ. Đối với doanh nghiệp nợ thuế quá 121 ngày, cơ quan thuế sẽ ban hành quyết định cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng ...

Vậy trong thời gian bị cưỡng chế về hóa đơn, doanh nghiệp bán hàng thế nào, làm sao xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng? các căn cứ pháp luật quy định trường hợp này như thế nào?

Các căn cú pháp lý:

Tại Điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ:

1. Đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử thực hiện theo quy định tại Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, riêng trường hợp rủi ro cao về thuế thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Quy định về cấp và kê khai xác định nghĩa vụ thuế khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh như sau:

a) Loại hóa đơn cấp theo từng lần phát sinh

a.2) Cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh là hóa đơn giá trị gia tăng trong các trường hợp:

- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác thuộc diện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuộc các trường hợp sau:

+ Bị cơ quan thuế cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

b) Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp được cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh gửi đơn đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo Mẫu số 06/ĐN-PSĐT Phụ lục IA kèm theo Nghị định này đến cơ quan thuế và truy cập vào hệ thống lập hóa đơn điện tử của cơ quan thuế để lập hóa đơn điện tử.

Sau khi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã khai, nộp thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế, phí khác (nếu có), ngay trong ngày làm việc cơ quan thuế cấp mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lập.

Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh được cơ quan thuế cấp mã...

Tại Điều 12 Quyết định số 1447/QĐ-TCT ngày 05/10/2021 của Tổng cục Thuế quy định về quy trình tiếp nhận, xử lý và cấp mã đối với hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP:

"1. Tiếp nhận đề nghị cấp HĐĐT có mã theo từng lần phát sinh (Mẫu số 06/ĐN-PSĐT):

...

2. Đối chiếu và hướng dẫn NNT hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp hóa đơn có mã CQT theo lần phát sinh:

...

- Đối với trường hợp NNT đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, Bộ phận tiếp nhận dữ liệu đối chiếu thêm hồ sơ của Bộ phận Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế chuyển sang

...

3. Trình, phê duyệt hồ sơ đề nghị cấp hóa đơn có mã CQT theo lần phát sinh:

...

Trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ khi NNT bổ sung đầy đủ chứng từ nộp thuế, công chức thuộc Bộ phận tiếp nhận dữ liệu trình Phụ trách bộ phận phê duyệt hồ sơ đề nghị cấp HĐĐT có mã theo từng lần phát sinh....".

(Mẫu số 06/ĐN-PSĐT Phụ lục IA kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

Như vậy, hướng xử lý để xuất hóa đơn cho khách hàng khi chẳng may doanh nghiệp bị cưỡng chế hóa đơn có thể tóm tắt như sau:

Doanh nghiệp bị cơ quan thuế cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn thì thuộc trường hợp được cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh.

Doanh nghiệp lập Mẫu số 06/ĐN-PSĐT Phụ lục IA kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP  kèm theo hợp đồng kinh tế, biên bản nghiệm thu, biên bản thanh lý, .. liên hệ trực tiếp với phòng QLN-CCNT gặp trực tiếp cán bộ thuế quản lý doanh nghiệp để yêu cầu giải quyết.

Cán bộ thuế sau khi kiểm tra hò sơ liên quan sẽ ấn định tỷ lệ phần trăm nộp thuế (thường trên 18% - 100% tùy theo độ "lì lợm" của doanh nghiệp) theo giá trị hóa đơn dự kiến xuất

Sau khi nộp đầy đủ Mẫu số 06/ĐN-PSĐT và chứng từ nộp thuế, doanh nghiệp truy cập vào hệ thống lập hóa đơn điện tử của cơ quan thuế để lập hóa đơn điện tử theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Ketoan.biz